Hôm 13/12, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov cho rằng Nga sẽ buộc phải hành động nếu phương Tây từ chối tham gia Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ở châu Âu - một phần của gói bảo đảm an ninh mà Moskva đang tìm kiếm trong nõ lực xoa dịu cuộc khủng hoảng Ukraine.
Ông Sergei Ryabkov cho hay, việc thiếu tiến bộ đối với một giải pháp chính trị và ngoại giao sẽ khiến Nga phản ứng bằng quân sự, giải pháp công nghệ quân sự.
"Đó sẽ là một cuộc đối đầu, vòng đối đầu tiếp theo", ông Sergei Ryabkov nói, đề cập đến khả năng triển khai tên lửa của Nga.
Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov. (Ảnh: Reuters)
Ông Ryabkov cho biết, có dấu hiệu cho thấy NATO đang tiến gần hơn đến việc tái triển khai các tên lửa tầm trung, trong đó có việc khôi phục Bộ Tư lệnh Pháo binh số 56 vào tháng trước. Đơn vị này đã vận hành tên lửa tầm trung Pershing, mang đầu đạn hạt nhân, trong Chiến tranh Lạnh.
Trước quan ngại từ Nga, NATO cho biết sẽ không có tên lửa mới của Mỹ ở châu Âu và họ sẵn sàng ngăn chặn các tên lửa mới của Nga bằng phản ứng "có tính toán" bằng vũ khí thông thường.
Tuy nhiên, ông Ryabkov cho rằng Nga "hoàn toàn thiếu tin tưởng" vào NATO. "NATO tin rằng có thể hành động khi cần, có lợi cho họ. Điều này sẽ không tiếp diễn", ông Ryabkov nói.
Cảnh báo từ Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov đã làm gia tăng nguy cơ về việc chạy đua tăng cường vũ khí mới trên lục địa này. Quan hệ Nga và NATO đang ở mức căng thẳng được xem là tồi tệ nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Hiệp ước INF được đàm phán dưới thời Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, có hiệu lực vào năm 1988 nhằm hạn chế việc phát triển và triển khai tên lửa phóng có tầm bắn từ 500-5.500 km tại châu Âu.
Washington đã rút khỏi hiệp ước vào năm 2019 sau khi nhiều cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước, phát triển tên lửa hành trình phóng từ mặt đất - 9M729.