INF được ký năm 1987, cấm triển khai vũ khí hạt nhân trên mặt đất với tầm bắn từ 500 đến 5.500 km, kết thúc từ ngày 2/8 do Mỹ rút lui, Bộ Ngoại giao Nga cho biết một tuyên bố.
"Vào ngày 2/8, do sự khởi xướng từ phía Mỹ, hiệp ước giữa Liên bang Xô Viết và Mỹ về việc loại bỏ các tên lửa tầm ngắn và tầm trung đã chấm dứt", Bộ Ngoại giao Nga hôm nay tuyên bố, đề cập tới Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF).
(Ảnh minh họa)
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xác nhận việc Mỹ rút khỏi hiệp ước INF và cáo buộc Nga là bên "chịu trách nhiệm duy nhất" về sự sụp đổ của hiệp định năm 1987. Reuters trước đó trích dẫn tuyên bố của một số quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền Trump nói rằng thử nghiệm ban đầu về tên lửa tầm trung thông thường theo kế hoạch của Mỹ sẽ được tiến hành trong những tháng tới.
Các nguồn tin cho rằng Matxcơva triển khai "nhiều tiểu đoàn" của tên lửa hành trình Nga trên khắp đất nước bao gồm cả ở miền Tây nước Nga với khả năng tấn công các mục tiêu quan trọng của châu Âu và điều này là vi phạm hiệp ước".
Nga phủ nhận cáo buộc, nói rằng phạm vi tên lửa của họ nằm ngoài hiệp ước và cáo buộc Mỹ nghĩ ra một cái cớ để thoát khỏi hiệp ước nhằm phát triển tên lửa mới. Nga cũng từ chối yêu cầu của Mỹ phá hủy tên lửa.
Hiệp ước INF, được Tổng thống Mỹ lúc đó là Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký và được Thượng viện Mỹ phê chuẩn, đã loại bỏ kho vũ khí tên lửa tầm trung của hai cường quốc hạt nhân và giảm khả năng tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân trong thời gian ngắn.