Theo RIA Novosti, trong ngày bế mạc triển lãm hàng không quốc tế MAKS-2021, hãng chế tạo máy bay Mikoyan (MiG) cho biết công ty này sẽ sớm khởi động đề án chế tạo một chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 hoạt động trên tàu sân bay cho hải quân Nga. Nguyên mẫu đầu tiên có thể sẽ xuất hiện trong vài năm tới.
Còn theo một đại diện của MiG tại MAKS-2021, mẫu tiêm kích trên hạm mới sắp được công ty này phát triển sẽ sử dụng hai động và có thiết kế tàng hình, ý tưởng thiết kế một máy bay cất hạ cánh thẳng đứng (V/STOL) cũng được tính đến.
Một thiết kế tiêm kích tàng hình được MiG giới thiệu tại triển lãm MAKS-2021. (Ảnh: Topwar)
Dù đây là một dự án dài hạn nhưng MiG đã có những mục tiêu riêng cho mẫu máy bay mới, điển hình như việc tích hợp nó với một máy bay tàng hình không người lái (UAV) trong tác chiến, điều đang được Sukhoi thực hiện đối với tiêm kích tàng hình Sukhoi Su-57 và UAV S-70 Okhotnik-B.
Tham vọng trên của MiG thể hiện rõ qua các mô hình máy bay tàng hình được công ty trưng bày ở MAKS-2021 vừa qua, với ba mẫu máy bay tàng hình mới. Trong đó, có một thiết kế tiêm kích tàng hình hạng nhẹ một động cơ, UAV tàng hình (thiết kế cánh liền thân) và tiêm kích tàng hình sử dụng hai động cơ (biến thể trên hạm).
Theo một số chuyên gia quân sự, các mẫu máy bay trên có thể sẽ là trọng tâm chương trình phát triển chiến đấu cơ tương lai giúp MiG bắt kịp “người anh em” Sukhoi.
Ba mẫu máy bay tàng hình được MiG giới thiệu tại MAKS-2021. (Ảnh: aex.ru)
Trước đó, có thông tin cho thấy Sukhoi sẽ phát triển thêm một biến thể tiêm kích trên hạm từ dòng chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 đầu tiên của Nga là Su-57. Theo đó, thiết kế của Su-57 sẽ được rút gọn để giảm trọng lượng cùng một số thay đổi để nó có thể hoạt động trên tàu sân bay.
Việc MiG thiết kế một tiêm kích tàng hình trên hạm sẽ không làm ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển biến thể hải quân của Su-57. Cả hai dự án này có thể sẽ được triển khai song song, việc mẫu máy bay nào được chọn phụ thuộc khá lớn vào tiến độ triển khai và ngân sách dành cho chúng.
Cũng cần phải nói thêm rằng dù lép vế trước Sukhoi trong các dự án chiến đấu cơ cho không quân Nga thế nhưng MiG lại khá thành công với các mẫu tiêm kích trên hạm, ví dụ như MiG-29K. Đây sẽ là lợi thế lớn cho MiG nếu muốn có được chỗ đứng vững chắc trong quân đội Nga.
Tuy nhiên, có một vấn đề khác. Ngân sách cho việc phát triển tiêm kích trên hạm của MiG và Sukhoi cũng phải dựa vào việc Bộ Quốc phòng Nga có tiếp tục kế hoạch đóng tàu sân bay mới hay không bởi Đô đốc Kuznetsov - tàu sân bay duy nhất của hải quân Nga không còn khả năng triển khai hoặc mang theo các mẫu máy bay mới.
Theo ước tính, hải quân Nga hiện tại đang thiếu ít nhất 3 tàu sân bay, chi phí đóng mới của mỗi chiếc sẽ từ 500 tỷ rub.
Một số hình ảnh về thiết kế máy bay tàng hình của MiG tại MAKS-2021
Các mẫu máy bay tàng hình này đều được kỳ vọng sẽ giúp MiG vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại. (Ảnh: RIA)
Có thể thấy khoang chứa vũ khí của tiêm kích tàng hình MiG được bố trí bên trong thân máy bay. (Ảnh: Samoletchik)
UAV tàng hình với thiết kế cánh liền thân được MiG mang đến MAKS-2021. (Ảnh: Samoletchik)
Theo giới thiệu của MiG, mẫu UAV này vừa có thể đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau trên không từ chiến đấu, trinh sát cho tới tiếp nhiên liệu cho các máy bay có người lái. (Ảnh: Samoletchik)
Tiêm kích tàng hình sử dụng một động cơ của MiG. (Ảnh: Samoletchik)
Thiết kế của nó bị đánh giá lỗi thời hơn dòng tiêm kích tàng hình Checkmate được Sukhoi giới thiệu tại MAKS năm nay. (Ảnh: Samoletchik)