Chiều 29/12, Phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ (Cục CSGT) tổ chức Hội nghị bàn về công tác phối hợp đảm bảm trật tự an toàn giao thông trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Tại Hội nghị, nội dung phối hợp và quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ được quy định tại Thông tư 62 và 63 của Bộ Công an có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021, nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Toàn cảnh Hội nghị.
Thượng tá Nguyễn Văn Giàu, Phó Trưởng Công an huyện Thanh Trì cho hay, việc giải quyết tai nạn giao thông trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ - Ninh Bình kể từ ngày 1/1/2021 theo Thông tư 62, 63 cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị.
Theo Phó trưởng Công an huyện Thanh Trì, lực lượng CSGT khi đến hiện trường phải cấp cứu nạn nhân, đánh dấu hiện trường và chuyển nạn nhân đến bệnh viện ngay.
“Lực lượng CSGT phải đánh giá ngay bản chất vụ tai nạn giao thông. Những vụ việc nhận định phải khởi tố thì phải thông tin thật nhanh, phối hợp với cơ quan điều tra; đội kĩ thuật hình sự, viện kiểm sát cũng cần phải có mặt ngay”, Thượng tá Giàu cho hay.
Thượng tá Nguyễn Văn Giàu - Phó Trưởng Công an huyện Thanh Trì phát biểu tại hội nghị.
Đại tá Vũ Quang Thái, Trưởng phòng 8 Cục CSGT nhận định, cần phải có sự phối hợp với lực lượng công an địa phương để giải quyết tai nạn trong những ngày tới. “Dứt khoát phải cập nhật được số điện thoại của các trưởng công an xã trên địa bàn để hỗ trợ đắc lực khi có tình huống xảy ra", ông Thái nói.
Đại diện Công an huyện Phú Xuyên nêu việc khó khăn của công an xã khi phối hợp tham gia giải quyết tai nạn giao thông trên đường cao tốc: “Lên cao tốc phải đi ô tô, trong khi công an xã không có. Muốn lên đường cao tốc các xã phải vòng lên rất xa. Như vậy, không đảm bảo tính kịp thời, đặc biệt là việc hỗ trợ cấp cứu người bị nạn”, vị này nhận định.
Chủ trì buổi họp, Đại tá Vũ Quang Thái tổng kết, công tác giải quyết tai nạn giao thông kể từ ngày 1/1/2021 rất khó, rất mong nhận được sự hỗ trợ từ các đơn vị, đặc biệt là đội CSGT của Công an huyện và hai đơn vị khai thác bảo trì trên tuyến BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ - Ninh Bình, Trung tâm điều hành VEC.
“Để thuận lợi cho các công an địa phương, tôi sẽ tham mưu cho Cục CSGT trong công việc thực hiện cơ chế phối hợp này”, Đại tá Thái chia sẻ.
Cũng tại Hội nghị, công an 8 huyện, quận của các tỉnh Hà Nội, Hà Nam, Nam Định và hai đơn vị khai thác tuyến cao tốc bàn thêm các vấn đề trọng trong năm 2021 gồm ký biên bản phối hợp giữa các đơn vị trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ - Ninh Bình phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tết Dương lịch, Tết nguyên đán Tân Sửu 2021; Phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông; Đấu tranh phòng chống tội phạm.