Đề cập tới khả năng NATO hiện diện quân sự tại Thụy Điển và Phần Lan, hôm 5/7, Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoana cho biết: “Chúng tôi không có kế hoạch hiện diện quân sự ở một trong hai quốc gia này khi họ có lực lượng quốc gia mạnh. Họ có khả năng tự bảo vệ mình".
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo “nếu các lực lượng quân sự và cơ sở hạ tầng quân sự NATO được triển khai ở Thụy Điển và Phần Lan, Nga sẽ phản ứng một cách tương xứng và đặt ra cảnh báo tương tự đối với những vùng lãnh thổ tiềm ẩn mối đe dọa với Nga".
Phần Lan, Thụy Điển ký nghị định thư gia nhập NATO hôm 5/7.
Ông Mircea Geoana cho rằng, NATO "không có kế hoạch đặt căn cứ liên minh ở hai quốc gia khi Thụy Điển và Phần Lan đều có năng lực chiến lược và quân sự cao".
Theo quy trình, sau khi các thành viên NATO và Thụy Điển và Phần Lan ký nghị định thư chấp nhập tư cách thành viên hôm 5/7, quá trình kết nạp được bắt đầu. Quốc hội ở tất cả 30 nước thành viên sẽ lần lượt xem xét phê duyệt tư cách thành viên NATO đối với Stockholm và Helsinki.
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã ký với Thụy Điển và Phần Lan biên bản ghi nhớ về việc chấp nhận cho 2 quốc gia Bắc Âu tham gia NATO, song hiện vẫn còn nhiều lo ngại về khả năng Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ có nhanh chóng phê chuẩn hay không. Bởi vì trước đó Ankara liên tục doạ phủ quyết tư cách thành viên của 2 quốc gia Bắc Âu này.
Phát biểu với báo giới sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngăn Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO nếu hai nước này không thực hiện các điều khoản thỏa thuận với Ankara.
Ông Erdogan cho rằng, bản ghi nhớ ba bên đạt được hôm 28/6 không có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tự động chấp thuận tư cách thành viên của Thụy Điển, Phần Lan. Ông cảnh báo, hành vi trong tương lai của Thụy Điển và Phần Lan sẽ quyết định liệu ông có chuyển đơn xin gia nhập của 2 quốc gia Bắc Âu tới quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hay không.
“Chúng tôi hy vọng quá trình này sẽ nhanh chóng được hoàn thành”, ông Geoana nói, cho biết “nhiều quốc gia đã khởi động” các bước tiến tới việc phê chuẩn. Tuy nhiên, quan chức NATO từ chối đưa ra thời gian biểu cụ thể cho quá trình này.
Hôm 5/7, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: “Tôi tin tưởng vào các đồng minh sẽ thực hiện quá trình phê chuẩn nhanh chóng và suôn sẻ".
Bên cạnh đó, Phó Tổng thư ký Geoana cũng ca ngợi sự ủng hộ của các thành viên NATO và đồng minh đối với Ukraine, khi Kiev đang nỗ lực đối phó với chiến dịch quân sự từ Nga. Ông thừa nhận những lo ngại về việc động lực cung cấp vũ khí cho Ukraine của phương Tây có thể kéo dài trong bao lâu.
Phần Lan và Thụy Điển hôm 15/5 nộp đơn xin gia nhập NATO. Hồ sơ đăng ký trở thành thành viên của họ đã được Washington và các đồng minh NATO châu Âu hoan nghênh. Quyết định này cũng chấm dứt tình trạng trung lập của 2 quốc gia Bắc Âu, được đưa ra trong bối cảnh Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.