Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết cuộc tập trận mang tên Neptune Strike '22 đã được thực hiện từ năm 2020, và không nhằm thử nghiệm bất kỳ kịch bản nào liên quan đến Ukraine. Trước đó, NATO đã cân nhắc về việc ngừng tập trận do căng thẳng với Nga nhưng cuối cùng vẫn quyết định thực hiện theo kế hoạch.
Theo thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, hoạt động "sẽ giúp chứng minh sự đoàn kết, khả năng và sức mạnh của liên minh xuyên Đại Tây Dương".
NATO khởi động cuộc tập trận ở Địa Trung Hải. (Ảnh: CBS)
Cuộc tập trận này là lần đầu tiên một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ (USS Harry Truman) nằm dưới sự chỉ huy và kiểm soát của NATO kể từ Chiến tranh Lạnh.
Tuần trước, Bộ Quốc phòng Nga cũng thông báo về việc tập trận ở nhiều khu vực, bao gồm cả ở biển Địa Trung Hải. Nga dự kiến tập trận vào tháng 1 và tháng 2, với sự tham gia của hơn 140 tàu và tàu hỗ trợ, 60 máy bay và khoảng 10.000 quân nhân.
Mỹ và châu Âu tiếp tục bày tỏ lo ngại về hoạt động quân sự của Nga gần biên giới Ukraine. Theo truyền thông phương Tây, Nga có khoảng 100.000 quân dọc theo khu vực và được cho là có khả năng tấn công quân sự bất cứ lúc nào. Dù vậy Nga phủ nhận nguy cơ này.
Mỹ và các nước phương Tây liên tục đưa ra “cảnh báo” về những hậu quả sẽ xảy ra nếu Nga tấn công Ukraine. Một số nước bắt đầu rút nhân viên ngoại giao và người nhà ở Kiev, phòng trường hợp căng thẳng leo thang. Tuy nhiên Moskva cáo buộc chính phương Tây làm căng thẳng tình hình.
Trong các hoạt động đàm phán, Nga muốn có đảm bảo pháp lý về việc NATO sẽ không mở rộng sang phía Đông, và Ukraine sẽ không trở thành thành viên của liên minh. Nhưng các đề xuất không được chấp nhận.