Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, chính quyền Tổng thống Biden đang “làm việc với Đức” để ngăn Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2) đi vào hoạt động.
“Tôi muốn nói rõ ràng rằng nếu Nga tấn công Ukraine, dự án Nord Stream 2 sẽ không tiến triển. Chúng tôi sẽ làm việc với Đức để đảm bảo nó (dự án đường ống dẫn khí) không thể tiếp tục diễn ra”, ông Price nói.
Việc xây dựng Nord Stream 2 hoàn thành từ tháng 9/2021, nhưng đường ống vẫn chưa được cấp phép hoạt động.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết tương lai của Nord Stream 2 có thể được coi là công cụ nhằm đối phó với các động thái tấn công từ Nga.
“Trong trường hợp Nga có động thái tấn công mới, chúng tôi đã có nhiều biện pháp phản ứng, bao gồm cả Nord Stream 2. Chúng ta cần phải làm rõ rằng việc tấn công quân sự đối với Ukraine sẽ đem lại những hậu quả to lớn cho Nga”, bà Baerbock cũng nhấn mạnh rằng Đức vẫn mong muốn “tiếp tục đối thoại” với Nga.
Nord Stream 2 - dự án năng lượng gây chia rẽ nhất châu Âu - được tạo ra để tăng gấp đôi lượng khí đốt từ Nga chảy thẳng đến Đức mà không cần đường dẫn trung gian qua Ukraine. Dự án phải đối mặt với sự phản đối từ Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Ukraine với lý do đường ống này có thể khiến châu Âu ngày càng phụ thuộc vào năng lượng từ Nga.
Việc xây dựng Nord Stream 2 hoàn thành từ tháng 9/2021. Tuy nhiên, công ty khí đốt Nga Gazprom vẫn đang chờ sự chấp thuận pháp lý từ các cơ quan quản lý của Đức để đưa đường ống vào hoạt động.
Do lo ngại viễn cảnh Nga cắt nguồn cung trong trường hợp xảy ra xung đột, chính quyền Biden đã triển khai đàm phán với các quốc gia sản xuất khí đốt trên toàn thế giới để đảm bảo nguồn cung cho châu Âu. Tuần này, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Nhà Trắng đã lên kế hoạch "dự phòng" về nguồn năng lượng.
Ngày 30/1 tới, Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp đón tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani. Chương trình nghị sự của họ bao gồm "đảm bảo sự ổn định của nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu”.