Chiều 7/5, Bộ Y tế có công điện gửi các địa phương trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức nghiêm trọng.
Bộ nêu rõ, hiện nhiều tỉnh đã có dịch, một số bệnh viện đã có người bệnh, người nhà và nhân viên y tế nhiễm COVID-19, trong đó có chủng virus biến thể "siêu lây nhiễm" Anh, Ấn Độ, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.
Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị UBND 63 tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 về việc tăng cường phòng chống dịch COVID-19 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ đề nghị nâng mức cảnh báo chống dịch cao nhất, sẵn sàng phương án ứng phó trong tình huống có ca bệnh xâm nhập vào bệnh viện.
Tiêm vaccine phòng chống COVID-19.
Với các địa phương có ca bệnh trong cộng đồng, Bộ yêu cầu xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh, người chăm sóc người bệnh dài ngày. Các địa phương chưa có ca bệnh trong cộng đồng thực hiện tăng cường chỉ định xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm.
Về kinh phí xét nghiệm, Bộ Y tế cho biết, các địa phương lấy từ nguồn kinh phí chống dịch của địa phương và theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện và báo cáo về Bộ Y tế. Đồng thời, lãnh đạo địa phương và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.
Riêng chiều 7/5, theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam ghi nhận thêm 46 ca COVID-19 mới, trong đó có 40 ca lây nhiễm cộng đồng. Cụ thể, 6 ca nhập cảnh tại TP.HCM (2), Đà Nẵng (2), Quảng Trị (1), Bình Thuận (1) và 40 ca mắc ghi nhận trong nước tại Hà Nội (24), Hải Dương (1), Điện Biên (1), Hà Nam (1), Nghệ An (1), Hưng Yên (4), Nam Định (1), Đà Nẵng (5), Phú Thọ (1), Vĩnh Phúc (1).
Từ ngày 29/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận 120 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Đáng lưu nhất hiện nay là chùm ca bệnh liên quan Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp tục lan sang Bệnh viện K, chùm ca bệnh tại huyện Thường Tín và ổ dịch tại Vĩnh Phúc.