Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nạn quấy rối tình dục ở showbiz Ấn Độ: Yêu râu xanh đội lốt đạo diễn

Vấn nạn quấy rối tình dục phía sau sự hào hoáng của ngành Điện ảnh Ấn Độ khiến người ta phải thốt lên: "Không phải tất cả những gì lấp lánh đều là vàng".

Tình trạng quấy rối tình đã và đang ngấm ngầm xảy ra ở thị trường Bollywood. Theo Hindustan Times, vấn nạn này mới đây được đem ra mổ xẻ nhân vụ kiện chống lại nhà sản xuất Bhushan Kumar của một nữ diễn viên 30 tuổi. Trong đơn, cô tố bị Kumar ép lên giường để đổi cơ hội đóng phim.

Ngày 17/7, sau phản ứng của hai bên, Cảnh sát Mumbai tuyên bố đã khởi tố một trường hợp với cáo buộc tương tự.

Đạo diễn Bhushan Kumar phủ nhận cáo buộc ép diễn viên đổi tình lấy vai diễn. (Ảnh: Dragrex)

Những vụ việc làm gợi nhớ mảng ký ức ám ảnh của các sao nữ thừa nhận là nạn nhân của hiện thực trần trụi tại thị trường phim ảnh trị giá 2,4 tỷ USD.

Khi đạo diễn là yêu râu xanh 

Swara Bhaskar (sinh năm 1988) trả lời tờ Mumbai Mirror đã kể lại cảnh tượng bị đạo diễn theo dõi trên phim trường trong những ngày cô mới gia nhập điện ảnh.

Cô hồi tưởng: "Xuyên suốt 56 ngày quay ngoại cảnh ở một địa điểm hẻo lánh, tôi đã bị đạo diễn quấy rối bằng tin nhắn và lời nói. Anh ta lén nhìn tôi vào ban ngày và cứ đến đêm lại gọi điện thoại, thậm chí mời ăn tối, qua đêm ở khách sạn".

Swara Bhaskar kể mình là nạn nhân của quấy rối tình dục ở Bollywood. (Ảnh: Tribune)

Lấy lý do "cùng thảo luận kịch bản" nên Bhaskar mới nhận lời. Nhưng theo lời kể, đến nơi cô nhìn thấy vị đạo diễn uống rượu, nói về tình yêu và tình dục. Có hôm cô còn được yêu cầu cho ôm và hôn. "Thật là đáng sợ!", Bhaskar diễn tả.

Payal Rohatgi - nữ diễn viên kiêm cựu thí sinh show truyền hình thực tế Bigg Boss - tố đạo diễn Dibakar Banerjee giở trò đồi bại. Banerjee được kể đã cố ý vén áo Rohatgi và nói: "Em dạo này tăng cân, anh cần phải kiểm tra xem đã".

Rohatgi vì chống đối đề nghị này nên đã bị loại khỏi tác phẩm đang trong giai đoạn ghi hình của Banerjee.

Trải nghiệm kinh hoàng tương tự xảy ra với Shherlyn Chopra, nữ chính phim Kama Sutra 3D (2013). Chopra cho biết nhà sản xuất phim yêu cầu cô "diễn" cảnh quan hệ xác thịt với ông sau máy quay.

Kangana Ranaut có thể được xem như ngôi sao hàng đầu Bollywood với 4 giải Phim quốc gia, 4 giải Filmfare, và 6 lần góp mặt trong danh sách 100 Người nổi tiếng của Forbes. Để thành danh như hôm nay, với Ranaut là cả quá trình vượt qua cạm bẫy.

"Thành viên trong đoàn phim Tanu Weds Manu từng ngỏ lời lên giường với Ranaut kết thúc casting. Từ năm 17 tuổi, cô ấy đã chịu ô nhục từ mối quan hệ bị lạm dụng với nam diễn viên Aditya Pancholi" - trích thông tin đăng trên Desiblitz.

"Hãy tự bảo vệ"

Chia sẻ trên Hindustan Times ngày 18/7, siêu mẫu kiêm diễn viên Alankrita Sahai mô tả những gì xảy ra cực kỳ kinh khủng. Cô cho rằng phụ nữ trong ngành luôn đối mặt với hiểm nguy rình rập.

"Tôi nghĩ họ thiếu thốn tình dục và thiếu sự quan tâm đến mức hành xử như vậy, và cũng vì lòng tham, những tưởng tượng biến thái trong đầu họ", Sahai ám chỉ các nhà làm phim.

Đăng quang Hoa hậu Trái đất Ấn Độ 2014 rồi lấn sân diễn xuất, Sahai nghe kể và biết nhiều trường hợp bị ép đổi tình lấy vai diễn. Cô rút ra kinh nghiệm là đừng bao giờ đi casting hoặc thảo luận kịch bản một mình.

"Trừ những lúc ăn, ngủ, quản lý luôn theo sát tôi 24/24. Hoặc nếu quản lý bận giải quyết công việc, tôi sẽ nhờ người trong ê-kíp hộ tống ra ngoài để đảm bảo an toàn", người đẹp kể kinh nghiệm.

Alankrita Sahai luôn có người theo cùng trong các buổi casting. (Ảnh: India Times)

Tương tự, Tisca Chopra (nữ chính phim điện ảnh Taare Zameen Par) tránh được trường hợp bị "yêu râu xanh đội lốt đạo diễn" ve vẽn nhờ sự phòng vệ chu đáo.

Gọi đạo diễn là "loài bò sát" và cởi mở về vấn nạn này, Chopra kể: "Tôi nghe nhiều người nói nếu đóng phim thì đồng nghĩa bạn sẽ đồng ý làm con cưng của đạo diễn. Từ 'con cưng' ở đây được hiểu theo nghĩa không mấy trong sáng".

Cô cho rằng những người thỏa hiệp thường là người mới, hoặc không có khả năng tự vệ hay phản kháng. Mặt khác, có những trường hợp chấp nhận đổi thể xác lấy vai diễn mà không cần nghĩ ngợi nhiều, hay bằng cách gọi khác là "casting couch" (thử vai trên giường).

Một thành viên giấu tên làm việc ở phim trường hơn 10 năm tâm sự với Hindustan Times rằng có rất nhiều người tham gia vào quá trình thử vai, vì thế đừng đánh đồng chỉ giám đốc casting, ngay cả nhà sản xuất hoặc đạo diễn cũng là những kẻ săn mồi tình dục.

"Người tốt và người xấu khắp mọi nơi. Phong trào #MeToo đã cho các cô gái quyền được nói và được tin tưởng. Tuy nhiên, tôi nghĩ không phải ai cũng sử dụng tiếng nói đúng cách", diễn viên Flora Saini nhận định.

Saini cho rằng trong thời đại mạng xã hội, bất cứ khi nào xảy ra chuyện không may, diễn viên nữ phải ngay lập tức chia sẻ vấn đề của mình. Nhưng vẫn có một muốn chờ đến thời cơ chín mùi.

Phân biệt giới tính đến thô bạo

Ở Hollywood, "casting couch" có thể bị xem xét tội hình sự và bị coi là buôn bán tình dục do có đổi chác lợi ích tiền bạc và thăng tiến sự nghiệp.

Theo AP, vào năm 2018, thẩm phán Robert W. Sweet ở tòa án New York đưa ra phán quyết rằng một nữ diễn viên tiềm năng có quyền kiện Weinstein tội vi phạm luật cấm buôn bán tình dục trái phép nếu ông này yêu cầu đổi tình lấy vai.

Các chiến dịch như #MeToo và #Time'sUP phát triển đã tạo nên làn sóng phản đối những kẻ săn mồi tình dục, chủ yếu nhắm vào các ông lớn trong ngành nghệ thuật thứ bảy.

Bollywood không xa lạ gì với những phong trào kể trên. Nhưng căn cứ vào các chia sẻ của người trong cuộc trên Hindustan Times, thực ra #MeToo không quá hiệu quả ở Án Độ, và phụ nữ dường như đang lạm dụng tiếng nói của mình.

Nguyên nhân là chuyện trọng nam khinh nữ đã bám rễ trong ngành công nghiệp phim ảnh của quốc gia tỷ dân như một quy luật bất thành văn.

Dia Mirza - Hoa hậu Châu Á Thái Bình Dương Quốc tế năm 2000 - từng nhấn mạnh Bollywood "phân biệt giới tính đến thô bạo". Cô khẳng định phụ nữ chịu lép vế ở mọi khía cạnh cuộc sống, là nạn nhân nhưng khó đòi lại được công lý.

"Ngành công nghiệp phim ảnh chủ yếu do nam giới lãnh đạo. Bởi vậy, không thể tránh khỏi sự gia trưởng và phân biệt giới tính. Tôi nghĩ đó không phải thực trạng phân biệt có ý thức, bởi có rất nhiều đàn ông là nhà văn, đạo diễn, diễn viên không nhận thức được suy nghĩ phân biệt trong chính con người họ".

Phụ nữ không có tiếng nói bằng đàn ông trên trường quay. (Ảnh: Sify)

Phân biệt giới tính được xem là nguồn cội gốc rễ dẫn đến chuyện săn mồi tình dục. Đối với nhiều sao nữ, tình huynh đệ ở Bollywood rộng lớn như một cộng đồng gắn kết. Ở đó, việc dũng cảm tuyên bố chống lại họ - những nhà sản xuất, đạo diễn hoặc diễn viên nam nổi tiếng, đồng nghĩa bạn sẽ bị xa lánh và đối diện nguy cơ sụp đổ con đường sự nghiệp.

Thay vì chống đối, phụ nữ học cách im lặng và sống chung với điều đó. Dần dà đã làm nghiêm trọng hóa vấn nạn quấy rối tình dục cũng như casting couch.

Từ góc nhìn của diễn viên Swara Bhaskar, phim trường Bollywood vẫn mang nặng cách thức hoạt động phong kiến. Vị trí trong ngành khiến phim trường trở thành nơi thuận lợi cho các vụ quấy rối tình dục.

"Nạn nhân dễ dàng bị bịt miệng. Phụ nữ thường bị trêu chọc trên phim trường và việc họ đòi cát-xê xứng đáng với công sức cũng rất phổ biến. Tuy nhiên, không phải cứ lên tiếng là thành công", cô chia sẻ.

Bidita Bag, ngôi sao ghi dấu ấn qua các phim chính trị, kể những ông lớn trong ngành nắm thóp được điểm yếu của diễn viên. Họ dùng điều đó điều khiển các cô gái, ép họ trao đổi thể xác để đổi vai diễn.

Bollywood có thể gây choáng ngợp trong mắt những ngôi sao trẻ. Nhưng thực tế chẳng khác nào câu nói trong vở kịch của Shakespeare: "Không phải tất cả những gì lấp lánh đều là vàng".

Ngày nay, câu nói nổi tiếng trên được dùng để ám chỉ sự mục ruỗng bên trong vẻ hào nhoáng ngành công nghiệp điện ảnh Ấn Độ.

Nguồn: Zing News

Tin mới