Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Năm đầu ‘sóng gió’ của Tổng thống Biden

(VTC News) -

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trải qua năm đầu tiên của nhiệm kỳ với không ít vấn đề đối ngoại đau đầu.

Thử nhìn lại những ngày đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden ở phòng Bầu Dục.

Nước Mỹ đang ở giữa một đại dịch toàn cầu. Đối thủ đảng Cộng hòa vẫn chưa hoàn toàn công nhận chiến thắng của ông. Mỹ đứng trước việc rút quân khỏi Afghanistan, chấm dứt cuộc xung đột mà nước này đã sa lầy vào trong hàng thập kỷ, nhưng không có cách nào rút ra khỏi đó một cách gọn gàng hay dễ dàng. Đảng Dân chủ của ông Biden cũng chỉ chiếm ưu thế sít sao ở Quốc hội, khiến cho mỗi quyết sách đều có thể bị ảnh hưởng lớn bởi cá nhân mỗi thượng nghị sĩ.

Trên toàn cầu, vị thế của Mỹ đặt trong các kết nối song phương và đa phương đều đang đứng trước những thách thức.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Getty)

Năm chuyển giao

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức vào ngày 20/1/2021, cam kết thực hiện một cuộc "đại tu" toàn diện về cách Washington tương tác với thế giới, hứa hẹn sẽ thay đổi hoàn toàn phong cách độc lập, gián đoạn của cựu Tổng thống Donald Trump, gắn sự ổn định và thịnh vượng trong nước với lợi ích của Mỹ ở nước ngoài, trong cái gọi là "chính sách đối ngoại cho tầng lớp trung lưu" của ông Biden.

Để làm điều này, Mỹ đưa ra nhiều cam kết, trong đó bao gồm gắn kết trở lại với cộng đồng toàn cầu, khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ, phản ứng với “sự hung hăng ngày càng tăng” của Trung Quốc, hướng tới mối quan hệ “ổn định” với Nga, khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran,...

Khi năm 2021 kết thúc, chính quyền Biden đã thực sự tìm cách thiết lập lại quan hệ với các đồng minh quan trọng và tái định vị mình là người đóng vai trò trung tâm trong việc chống lại các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Dù vậy, họ cũng vấp phải những chỉ trích vì được cho là không có một chính sách đối ngoại hàng đầu về nhân quyền, bên cạnh đó quá chú trọng vào sự khác biệt ý thức hệ dù sự hợp tác toàn cầu - đặc biệt là giữa các siêu cường - là rất cần thiết.

“Năm 2021 là một năm chuyển giao. Tổng thống Biden đã thay thế sự nóng nảy của ông Trump bằng chủ nghĩa thực dụng và hiện thực", theo PJ Crowley, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề công dưới thời Tổng thống Barack Obama.

“Đây là một thành tựu thực sự, nhưng nó cũng đặt ra một bài kiểm tra lớn cho năm 2022. Sau khi thiết lập lại giọng điệu trong chính sách đối ngoại của Mỹ, liệu ông ấy có thể mang lại kết quả có ý nghĩa không?”

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. (Ảnh: Getty)

Các mâu thuẫn quá khứ vẫn “phủ bóng”

Theo tác giả Jonathan Lemire của Politico, năm 2021, Tổng thống Biden muốn đưa chính sách đối ngoại của Mỹ hướng đến tương lai nhưng chưa thể loại bỏ những “dấu vết” mâu thuẫn của quá khứ, và các vấn đề này sẽ tiếp tục gây đau đầu.

Sau khi nhậm chức vào đầu năm nay, ông Biden hứa hẹn một kỷ nguyên mới cho nước Mỹ trên trường thế giới, gạt bỏ "thời kỳ Trump" đầy biến động để xây dựng lại các liên minh và trên hết, khẳng định nền dân chủ. Bên cạnh đó, chính quyền Biden đưa ra một tiền đề rõ ràng rằng nước này sẽ tập trung vào cạnh tranh với một siêu cường khác trên thế giới, Trung Quốc.

Nhưng chính quyền cũng phải đối mặt với thách thức từ những vấn đề cố hữu.

Việc rút quân khỏi Afghanistan kết thúc cuộc chiến dài nhất của nước này, do ba nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ tiến hành. Nhưng cuộc rút quân để lại những hình ảnh đau đớn về bạo lực và nỗi sợ hãi, làm lung lay niềm tin của các đồng minh cũng như người Mỹ vào năng lực của chính quyền.

(Ảnh minh họa: EPA)

Các chính trị gia ở Anh, Pháp và Đức đều chỉ trích việc ra quyết định của Mỹ và phàn nàn một cách gay gắt rằng họ không được tham vấn đầy đủ. Quyết định của Biden về việc chấm dứt sự hiện diện quân sự của Mỹ vào tháng 9 và quyết tâm bám sát mốc thời gian đó ngay cả sau khi Kabul bắt đầu sụp đổ, phản ánh rộng hơn cơ chế chính sách đối ngoại của chính quyền ông.

Biden luôn khẳng định những gì ông đã tranh cãi trong suốt một thập kỷ: Nhiệm vụ chính của cuộc chiến - đánh đuổi al Qaeda - đã đạt được và sẽ là sai lầm nếu để thêm bất cứ một gia đình người Mỹ nào khác thêm mất mát trong cuộc chiến đó. Ông đã bỏ qua những lo lắng của Bộ trưởng Ngoại giao Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Austin, cả hai đều đã đưa ra lời khuyên về việc rút quân chậm hơn.

Bên cạnh đó là vấn đề với Nga. Vừa qua Mỹ đã tổ chức một cuộc gặp trực tuyến giữa Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Vladimir Putin trong nỗ lực giảm leo thang căng thẳng đang gia tăng ở biên giới Ukraine.

Biden đã cảnh báo Putin rằng một cuộc tấn công Ukraine sẽ khiến Moskva phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế đáng kể, nhưng ông cũng nói rằng việc cử lực lượng Mỹ tới khu vực “không phải là phương án”. Hai quốc gia dường như đang đi vào bế tắc, ít có dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Nga sẽ rút lực lượng ở biên giới và làm dấy lên lo ngại rằng một cuộc xung đột có thể vô tình nổ ra.

Tổng thống Putin và người đồng cấp Biden trong một cuộc gặp. 

Tổng thống Biden sẽ phải thuyết phục các nước châu Âu một lần nữa rằng Mỹ tiếp tục là một đối tác đáng tin cậy.

Ngoài ra, những nỗ lực để tái khởi động thỏa thuận hạt nhân Iran, do người tiền nhiệm của ông Biden thực hiện, cũng trên bờ vực đổ vỡ. Và sự xuất hiện của biến thể COVID-19 mới nhanh chóng lan truyền trên toàn cầu càng nhấn mạnh rằng đại dịch giống như một cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia, đã làm đình trệ và cắt giảm đáng kể các kế hoạch công du nước ngoài của Tổng thống.

“Không phải lúc nào bạn cũng có thể xác định được mình sẽ tập trung vào điều gì. Đôi khi bạn định hình chương trình làm việc của mình, nhưng đôi khi những yếu tố khác giúp định hình nó”, Richard Haass, chủ tịch tổ chức Hội đồng Quan hệ Đối ngoại bình luận.

Đội ngũ của vị Tổng thống Mỹ dù vậy đã cố gắng thúc đẩy chương trình nghị sự của họ.

Một trong những ưu tiên của Tổng thống Biden tập trung vào các liên minh và đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong vòng vài tuần sau khi nhậm chức, ông đã kết nối qua điện thoại với các nhà lãnh đạo từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia,... Các chuyến thăm ngoại giao đầu tiên của các thành viên cấp cao trong nhóm chính sách đối ngoại của Biden là đến châu Á: Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã đến Ấn Độ, sau đó Ngoại trưởng Antony Blinken để thăm Hàn Quốc và Nhật Bản. Các cuộc gặp này đã tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ trong việc đầu tư vào các mối quan hệ và liên minh quan trọng trong khu vực.

Ông Biden cũng thực hiện các chuyến đi tới châu Âu để tăng cường quan hệ với các đồng minh và cam kết hợp tác chống lại biến đổi khí hậu. Hồi tháng 9, Nhà Trắng tuyên bố khả năng tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Bắc Kinh sau cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc (mà nước này phủ nhận). Mỹ cũng khởi động Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ kéo dài hai ngày nhằm tập hợp các chính quyền “tự do”, điều khiến Bắc Kinh phẫn nộ.

Nhưng nhìn chung, các trợ lý Nhà Trắng của Biden miêu tả năm 2021 là “năm tái thiết”, một thời điểm để ông sửa chữa những thiệt hại do chương trình nghị sự của cựu Tổng thống Donald Trump gây ra, khi Mỹ dường như đã trở nên cạnh tranh với các đồng minh.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Emily Horne tuyên bố: "Những thách thức và khủng hoảng an ninh quốc gia là điều không thể tránh khỏi trong mọi chính quyền. Chính cách bạn đối phó với chúng mới là vấn đề. Vì vậy chúng ta đã dành nhiều thời gian như vậy trong năm đầu tiên để đầu tư vào các nguồn lực trong nước, sửa chữa và đổi mới các liên minh, và đặt ngoại giao trở lại cốt lõi trong chính sách đối ngoại”.

Cạnh tranh với Trung Quốc vẫn là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ. (Ảnh minh họa)

Trung Quốc

Ông Biden là phó tổng thống khi chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama tìm cách “xoay trục sang châu Á”. Đến khi đứng đầu Nhà Trắng, dù chọn một đề mục khác, rõ ràng là chính quyền ông cũng muốn ưu tiên cạnh tranh kinh tế và chiến lược với Trung Quốc.

Kể từ cuộc bầu cử của Biden, Washington nhìn nhận các mối đe dọa từ Trung Quốc cả về kinh tế và chính trị ngày càng tăng. Các trợ lý và đồng minh của Nhà Trắng chỉ ra rằng sự rạn nứt giữa châu Âu và Bắc Kinh cho thấy các liên minh truyền thống của Washington đang hàn gắn.

Thượng nghị sĩ Chris Coons ở Ủy ban Đối ngoại và là đồng minh thân cận của ông Biden, cho biết: “Tổng thống Biden đã đạt được tiến bộ ổn định và đáng kể và đã khắc phục được nhiều thiệt hại do người tiền nhiệm gây ra. Và quan trọng, ông ấy đã tập hợp các đồng minh của chúng tôi lại với nhau - những đồng minh mà Trung Quốc không có - đó là lý do tại sao tôi cảm thấy tốt về cơ hội của chúng tôi trong thế kỷ này”.

Biden đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên, mặc dù chỉ là trực tuyến, với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 11, một sự kiện được xem là nỗ lực để hạ nhiệt căng thẳng ngày càng gia tăng.

Kể từ năm 2018, Washington và Bắc Kinh mắc kẹt trong một cuộc chiến thương mại, và cuộc chiến tiếp tục diễn ra trong năm đầu tiên của chính quyền Biden.

Mỹ đã tìm cách tập hợp các đồng minh châu Âu và châu Á chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, xây dựng các thỏa thuận quốc phòng và quân sự để phản ứng với những gì các quan chức Mỹ xem là một Bắc Kinh “ngày càng hung hăng”.

Mỹ thường xuyên lên án "hành động ép buộc" của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt liên quan đến Biển Đông và Đài Loan.

Dù vậy, ông Biden bác bỏ cáo buộc rằng Washington đang theo đuổi một "Chiến tranh Lạnh mới" với siêu cường châu Á.

Phương Anh (Tổng hợp )

Tin mới