Ngày 9/1/2021, MB tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2020 tại Hà Nội. Tham dự hội nghị có đại diện Lãnh đạo Bộ quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban chứng khoán và lãnh đạo MB.
2020 đánh dấu một năm đầy thách thức đối với thị trường tài chính – ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, Việt Nam lại trở thành điểm sáng khi từng bước phục hồi hoạt động trong điều kiện bình thường mới, hoàn thành mục tiêu kép tăng trưởng kinh tế & kiểm soát dịch bệnh.
Trụ sở mới của MB tại 18 Lê Văn Lương vừa khai trương hồi tháng 11/2020
Trong năm qua, MB vừa tiên phong hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua Covid-19, vừa thực hiện có hiệu quả các chiến lược kinh doanh với trọng tâm là chuyển dịch số. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Ngân hàng Nhà nước, MB đã thực hiện 5 đợt giảm lãi suất với số tiền lợi nhuận trích ra để hỗ trợ Covid-19 là khoảng 2.000 tỷ, tạo động lực khởi động lại kinh doanh cho hơn 105.000 khách hàng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lưu Trung Thái – Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc MB cho biết, năm 2020 tuy gặp nhiều khó khăn, song MB vẫn hoàn thành tốt kế hoạch kinh doanh đã đề ra. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ngân hàng đạt 10.688 tỷ đồng, tăng khoảng 6,5% so với 2019 và vượt 18.9% so với kế hoạch năm. Tỷ lệ casa chạm ngưỡng 36%. Tiền gửi khách hàng tăng 24%, riêng casa khách hàng cá nhân tăng gấp đôi so với 2020 nhờ chuyển đổi số thành công. Trích lập dự phòng rủi ro được thực hiện đầy đủ nhằm phòng ngừa những tác động của dịch bệnh. Tỷ lệ bao phủ dự phòng/nợ đạt khoảng 160%, cao nhất nhì thị trường.
Hoạt động của các công ty thành viên trong năm 2020 cũng có nhiều khởi sắc. Lợi nhuận các công ty ước đạt 1.410 tỷ, tăng xấp xỉ 27% so với 2019, tương đương 13.2% lợi nhuận hợp nhất. Đáng chú ý, với sự tăng trưởng vượt bậc trong quý 4 năm 2020, Công ty Bảo hiểm Nhân Thọ MB Ageas – một trong sáu công ty thành viên của tập đoàn MB đạt gần 1.600 tỷ AFYP (tổng phí quy theo năm) doanh thu khai thác mới kênh Banca, giúp tập đoàn MB giữ vững ngôi vị số 1 về Banca, đóng góp gần 900 tỷ (tương ứng 30%) vào tổng phí dịch vụ của tập đoàn.
Dấu ấn số hóa của MB được thể hiện rõ nét nhất vào thời điểm giữa năm 2020, khi App MBBank đã trở thành ứng dụng App tài chính miễn phí được download nhiều nhất tại Appstore Việt Nam, vượt qua nhiều các tên tuổi lớn của thế giới như Facebook hay Instagram.
Bước tiên phong chuyển đổi số đã giúp MB thu hút thêm một số lượng lớn khách hàng mới, 90 triệu giao dịch điện tử, với giao dịch trên kênh số đạt 84,4% . Những con số này chính là lực đẩy, đưa MB đến gần hơn với mục tiêu phục vụ 10 triệu khách hàng trong năm 2021.
Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MB – ông Lưu Trung Thái nhận cờ thi đua Chính phủ dẫn đầu phong trào thi đua ngành ngân hàng
Ghi nhận nhiều thành tích đạt được trong năm 2019, tại “Hội nghị Triển khai Nhiệm vụ Ngân hàng năm 2021” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, MB được Thủ tướng Chính phủ trao tặng cờ thi đua dẫn đầu phong trào thi đua ngành ngân hàng. Một số danh hiệu, giải thưởng nổi bật khác như: Danh hiệu Sao Khuê 2020 cho nền tảng số Biz MBBank; cú đúp Giải thưởng Ngân hàng Việt Nam tiêu biểu 2021: “Ngân hàng đồng hành cùng Doanh nghiệp nhỏ và vừa” và “Ngân hàng tiêu biểu về Tín dụng xanh” do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG trao tặng; được Tạp chí The Asian Banker vinh danh là Ngân hàng có “Sản phẩm cho vay số tốt nhất” và “Sản phẩm cho vay tự động tốt nhất”.
Về định hướng năm 2021, Thượng tướng Lê Hữu Đức, Chủ tịch HĐQT MB cho rằng tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là trong giai đoạn phục phục hồi sau COVID-19. Theo đó, để chinh phục thành công mục tiêu nằm trong Top 5, phấn đấu Top 3 các NHTM về chất lượng và hiệu quả, dẫn đầu về số hoá, ông khẳng định MB sẽ tập trung chuyển đổi số hóa toàn diện đối với hoạt động ngân hàng từ kinh doanh đến quản lý, vận hành, quản trị rủi ro, nhân lực. Chất lượng dịch vụ tiếp tục được nâng cao, kiểm soát rủi ro chặt chẽ, tiếp tục triển khai sâu các mô hình kinh doanh bán chéo trong tập đoàn,.