Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mỹ trừng phạt Trung Quốc, các quốc gia đang đàm phán mua S-400 của Nga sẽ chịu chung số phận?

Đại sứ Ả-rập Xê-út tại Nga Raid bin Khalid Krimli hy vọng Riyadh sẽ không chịu chung số phận với Bắc Kinh sau khi một cơ quan quân sự của Trung Quốc bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt vì mua vũ khí và tên lửa Nga.

"Tôi hy vọng không ai áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với chúng tôi", ông Krimli nói với báo giới hôm 21/9 tại Matxcơva. Cũng theo ông, các vấn đề liên quan tới thương vụ S-400 giữa Ả-rập Xê-út và Matxcơva vẫn đang được thảo luận. 

Theo RT, Nga và Ả-rập Xê-út vẫn đang tiếp tục đàm phán về việc mua "rồng lửa" S-400 và chưa có gì được hoàn thành. 

 Nhiều quốc gia đang đàm phán các thương vụ mua S-400 của Nga. (Ảnh: RT)

Washington tỏ rõ không hài lòng khi nhiều nước, trong đó có cả đồng minh của Mỹ ngỏ ý muốn sở hữu hệ thống phòng không uy lực của Nga. Trung Quốc chính là nạn nhân đầu tiên, sau nhiều lần Mỹ đe doạ trừng phạt các quốc gia vi phạm lệnh cấm vận đang áp đặt với Nga. 

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 20/9 cho biết sẽ áp đặt lệnh trừng phạt với Cục Phát triển Thiết bị Trung Quốc (EDD) thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc và giám đốc EDD Li Shangfu sau khi cơ quan này tham gia vào các giao dịch quan trọng với Rosoboronexport, công ty xuất khẩu vũ khí hàng đầu của Nga.

Các biện pháp trừng phạt có liên quan tới thương vụ EDD mua 10 máy bay chiến đấu Su-35 vào năm 2017 và các thiết bị liên quan tới hệ thống phòng không S-400 của Nga vào năm 2018, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

Một số quan chức Mỹ nói rằng động thái này như một thông điệp rõ ràng tới những nước đang cân nhắc mua S-400 của Nga, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Washington. 

Ankara đã hoàn tất thương vụ mua S-400 với Nga. Các lô vũ khí này sẽ được chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2019. 

Video: S-400 lần đầu thực chiến ở Syria 

Đầu tháng 9/2018, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định việc mua S-400 là điều thiết yếu, đồng thời chỉ trích Mỹ cố tình gây khó khăn cho các hợp đồng mua bán của Ankara. Ông cũng khẳng định Ankara không cần sự cho phép của bất cứ ai khi cân nhắc mua loại vũ khí nào. 

Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út và Trung Quốc, thì hiện Ấn Độ, Qatar và Ai Cập cũng là các khách hàng tiềm năng muốn mua S-400 của Nga. 

Ấn Độ có vẻ sẽ không phải hứng chịu viễn cảnh bị Mỹ trừng phạt bởi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến thăm tới Ấn Độ đầu tháng 9 vừa qua từng khẳng định Washington sẽ không tìm cách trừng phạt Ấn Độ vì mua hệ thống tên lửa của Nga. 

Trong khi đó, Ả-rập Xê-út, quốc gia đồng minh của Mỹ có lẽ cũng không phải chịu chung số phận như Trung Quốc. Quốc gia Trung Đông này hiện là nước mua vũ khí nhiều thứ 2 trên thế giới với 61% trong số này là các khí tài từ Mỹ. Riyadh và Washington cũng đang tích cực hợp tác trong các mặt trận trên khắp Trung Đông. 

Song Hy

Tin mới