Hôm 26/1, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) thuộc Lầu Năm Góc thông báo, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt hợp đồng tiềm năng trị giá 23 tỷ USD.
Theo đó, Mỹ sẽ cung cấp tối đa 40 tiêm kích đa năng F-16C/D Block 70 cùng phụ tùng, thiết bị kỹ thuật và hỗ trợ huấn luyện cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Máy bay chiến đấu F-16. (Ảnh: Reuters)
Đồng thời, Washington đồng ý nâng cấp 79 máy bay F-16 trong biên chế của Ankara lên chuẩn F-16V hiện đại nhất thế giới và cung cấp 401 tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9X Block II, 952 tên lửa đối không tầm trung AIM-120C-8, hàng trăm tên lửa đối đất, bom dẫn đường, hệ thống tác chiến điện tử, thiết bị kiểm tra và bảo dưỡng cho phi đội F-16 Thổ Nhĩ Kỳ.
Hợp đồng sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng, hiện đại hóa phi đội F-16 trong bối cảnh những máy bay trong biên chế nước này sắp hết thời gian vận hành.
"Thổ Nhĩ Kỳ đã sở hữu máy bay F-16 và sẽ không gặp khó khăn trong quá trình tiếp nhận lô vũ khí mới. Thương vụ này sẽ không làm thay đổi cán cân quân sự trong khu vực", DSCA cho hay.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng thúc đẩy việc bán 20 máy bay chiến đấu tàng hình Lockheed F-35 cho đồng minh NATO là Hy Lạp.
Thương vụ đã được thông báo cho Quốc hội Mỹ, cơ quan này sẽ có 15 ngày để quyết định có chặn hợp đồng hay không. Nếu không gặp sự phản đối từ Quốc hội, thương vụ sẽ được trình lên Tổng thống Joe Biden ký phê duyệt. Dù vẫn còn một số ý kiến trái chiều, quan chức Mỹ nhận định Quốc hội sẽ không chặn thương vụ này.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nghị sỹ Ben Cardin nói: "Phê duyệt đề xuất mua F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ luôn gắn liền với quá trình nước này chấp nhận tư cách thành viên NATO của Thụy Điển. Đây không phải quyết định dễ dàng".
Thời gian tới, Thổ Nhĩ Kỳ cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ nhân quyền của mình, hợp tác tốt hơn để buộc Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến của nước này ở Ukraine và giúp hạ nhiệt tình hình ở Trung Đông.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện là quốc gia sở hữu phi đội F-16 lớn thứ ba thế giới với 270 chiếc.
Tổng thống Tayyip Erdogan cuối cùng đã chấp thuận đề nghị gia nhập NATO của Thụy Điển vào hôm 25/1, chấm dứt nhiều tháng trì hoãn. Trước đó, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua việc kết nạp Thụy Điển vào NATO hôm 23/1.
Theo quy định, để trở thành thành viên NATO, Thụy Điển cần được quốc hội tất cả các nước thành viên NATO chấp thuận. Sau khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn, hiện chỉ còn Hungary là chưa đồng ý để Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự này.