Giới chức trong chính quyền Biden cho biết, 7 quan chức cấp cao của chính phủ Nga phải đối mặt với các lệnh trừng phạt như đóng băng tài sản. Ngoài ra, lệnh trừng phạt còn áp đặt với 14 thực thể liên quan đến việc sản xuất tác nhân sinh học và hóa học của Nga, trong có có 13 đơn vị liên quan đến thương mại và một viện nghiên cứu của chính phủ Nga.
“Nỗ lực sử dụng vũ khí hóa học của Nga nhằm giết hại Alexei Navalny là đáng báo động”, Reuters dẫn lời quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho hay.
Chính quyền Biden giáng đòn trừng phạt Nga vì cáo buộc đầu độc chính trị gia đối lập Alexei Navalny.
Đòn trừng phạt mới của Washington được thực hiện với sự phối hợp của Liên minh châu Âu (EU). Các quan chức Mỹ nhắc lại lời kêu gọi của Tổng thống Joe Biden, yêu cầu Nga trả tự do cho Alexei Navalny. Ông Biden đã có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Nga so với thời cựu Tổng thống Donald Trump.
“Mỹ không tìm cách thiết lập lại quan hệ với Nga và cũng không tìm cách leo thang. Washington muốn Matxcơva và các đối tác của chúng tôi phải minh bạch. Nga phải trả giá vì có các hành vi vượt qua ranh giới được các quốc gia có trách nhiệm tôn trọng”, quan chức chính quyền Biden cho biết.
Theo hãng tin Interfax, trước thông báo về lệnh trừng phạt của Mỹ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết nước này sẽ đáp trả tương xứng bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào của Mỹ.
Sau khi điều trị y tế ở Đức, Alexei Navalny, 44 tuổi, trở về Nga vào tháng 1. Alexei Navalny đã bị bắt và sau đó bị kết án hơn 3,5 năm tù giam với cáo buộc trốn tránh sự giám sát liên quan đến một bản án mà ông bị tuyên phạt vào năm 2014.
Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden cho thấy quan điểm cứng rắn đối với Nga. Ông Biden cáo buộc Matxcơva có vai trò của Nga trong vụ tấn công mạng SolarWinds với quy mô lớn và tìm cách cách can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 và treo thưởng cho các chiến binh Taliban để giết lính Mỹ ở Afghanistan.