Những vỉ trứng đã trở thành biểu tượng của lạm phát ở Mỹ, theo Guardian.
Vào cuối năm 2022, giá đã tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, gây sức ép lên khoản chi dành cho kỳ nghỉ của các hộ gia đình trên cả nước.
Buôn lậu qua biên giới Mexico
Một số người đã “động não” kiểu Mỹ để có được trứng gà giữa cuộc khủng hoảng: Mua lậu qua biên giới Mỹ - Mexico.
Lực lượng tuần tra biên giới Mỹ cho biết các nỗ lực mua lậu trứng qua biên giới gia tăng. Cơ quan này cảnh báo số lượng trứng gia cầm lậu bị bắt giữ tăng 108% từ ngày 1/10/2022 đến ngày 31/12/2022.
Người mua cũng đang tìm kiếm nguồn cung ở các trang trại địa phương, nơi trứng có thể rẻ hơn. Những nông dân chăn nuôi đã đùa vui về tình trạng này bằng các clip trên TikTok, tự gọi mình là “những người buôn trứng” và cân những quả trứng gia cầm như thể cân mỗi kg ma túy.
Giá trứng gia cầm tại các cửa hàng tại Mỹ hiện nay tăng cao tới mức khiến nhiều người kinh ngạc. Nhà sản xuất ở Mỹ đổ lỗi cho cúm gia cầm khiến giá trứng tăng vọt. (Ảnh: AP)
Giá trứng gia cầm tại các cửa hàng tại Mỹ hiện nay tăng cao tới mức khiến nhiều người kinh ngạc. Nhà sản xuất ở Mỹ đổ lỗi cho cúm gia cầm khiến giá trứng tăng vọt. Ảnh: AP.Hôm 24/1, ở Upper East Side của Manhattan, một trong những khu dân cư đắt đỏ nhất nước Mỹ, giá trứng ở mức cao khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Tại Eli's Market, một cửa hàng tạp hóa dành cho người sành ăn, một tá trứng hữu cơ có giá 12,99-17,99 USD.
"Có thật không?", một khác hàng hỏi lại đầy băn khoăn sau khi biết giá.
“Thật điên rồ”, vị khách nói thêm.
Quản lý cửa hàng từ chối bình luận, theo Guardian.
Cách đó vài dãy nhà, giá trứng có phần “dễ thở” hơn một chút, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với giá thông thường.
Maria Tripodis, một đầu bếp tại gia, đã xem qua các vỉ trứng có giá từ 7,49 USD đến 9,99 USD. “Đây là những quả trứng đẹp, nhưng chúng đắt hơn bình thường rất nhiều”, cô nói.
Tình trạng được cho là có dấu hiệu sắp biến chuyển, khi cơ quan chức năng vào cuộc. Cơ quan Marketing Nông nghiệp của USDA hứa hẹn một lối ra trong thời gian gần: Kể từ ngày 20/1, giá trứng tại nguồn đã giảm 52% so với mức cao trong tuần ghi nhận vào ngày 18/12.
Tuy nhiên, nhà báo Alaina Demopoulos - tác giả bài viết trên Guardian - cho biết tại các cửa hàng mà cô ghé, sự sụt giảm đó rõ ràng chưa tới được với người tiêu dùng.
Tranh cãi
American Egg Board đổ lỗi tình trạng tăng giá cho sự bùng phát chưa từng có tiền lệ của H1N1, một chủng cúm gia cầm đặc biệt nguy hiểm có tỷ lệ tử vong gần 100% ở các loài chim. Việc giảm nguồn cung gia cầm đẻ trứng này đã khiến giá tăng vọt. Tuy nhiên, Farm Action - một nhóm vận động ủng hộ nông dân - cáo buộc các nhà sản xuất trứng lớn đã đẩy giá trong “kế hoạch thông đồng” nhằm tăng lợi nhuận.
Nhóm này đã kiểm tra dữ liệu tài chính công khai từ ngành công nghiệp trứng. Trong một lá thư kêu gọi FTC điều tra về giá trứng cao kỷ lục, Farm Action nêu bật lên rằng đợt bùng phát dịch cúm gia cầm chỉ có “tác động nhẹ đối với ngành”, nói chung làm giảm quy mô trung bình của một đàn gà đẻ trứng không quá 6% so với năm 2021.
“Giá trứng trung bình bán cho người tiêu dùng tại cửa hàng tạp hóa đã tăng gấp ba lần kể từ năm ngoái”, bà Angela Huffman, đồng sáng lập kiêm Phó chủ tịch của Farm Action cho biết.
“Các tập đoàn trứng lớn đang đổ lỗi cho lạm phát và cúm gia cầm là nguyên nhân khiến giá tăng, nhưng nếu họ chỉ tăng giá để bù đắp chi phí này, thì tại sao lợi nhuận thu về lại cao gấp năm lần?”.
Cuộc điều tra của Farm Action bắt đầu với một phân tích của USDA, trong đó lưu ý rằng ngành công nghiệp trứng gia cầm đã không thực hiện các bước thích hợp để tăng quy mô đàn và thay thế những con gia cầm bị mất vì cúm gia cầm.
“Câu trả lời duy nhất là các công ty đang thông đồng để tận dụng những cái cớ này, dùng dịch cúm gia cầm và lạm phát để đẩy giá cao hơn với người tiêu dùng”, bà Huffman nói.
Bà lưu ý rằng mối đe dọa của dịch cúm gia cầm là có thật, nhưng nó “không biện minh được” cho việc đẩy giá trục lợi.
Farm Action đã kêu gọi FTC điều tra các nhà sản xuất trứng, điều này có thể buộc họ phải bồi thường cho những khách hàng bị thiệt hại. Farm Action đã chuyển thư tới Bộ Tư pháp và USDA, khuyến khích họ giúp FTC thực thi luật chống độc quyền.
“Hiện tại, mọi người đang thực sự gặp khó khăn và tôi nghĩ việc các công ty này lợi dụng người dân Mỹ theo cách này thực sự tàn nhẫn”, bà Huffman nhấn mạnh.
Max P Bowman, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính của Cal-Maine, nhà cung cấp trứng lớn nhất nước Mỹ, phủ nhận những cáo buộc đó. Ông đã đưa ra một tuyên bố đề cập đến bộ phận kiểm tra sức khỏe động vật và thực vật của USDA, báo cáo rằng có 306 triệu con gà đẻ trứng để bán trên thị trường tính đến ngày 1/1, giảm 6% so với một năm trước đó.
“Ngoài ra, giống như tất cả ngành công nghiệp khác, sản xuất trứng đang bị ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào tăng”, ông Bowman nêu rõ trong tuyên bố. “Đặc biệt, chi phí thức ăn, lao động, nhiên liệu và bao bì đã tăng lên đáng kể, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và do đó ảnh hưởng đến giá bán buôn và bán lẻ của trứng”.
Ông Philips bức xúc. “Tôi bán bánh mì kẹp pho mát để kiếm sống, và bây giờ tôi phải suy tính như một nhà kinh tế học khi mua những quả trứng. (Ảnh: Reuters)
Cho dù giá có bị thổi phồng bởi các nhà sản xuất hay không, chính các cửa hàng sẽ quyết định chi phí cuối cùng.
Tại các cửa hàng ở góc phố mà nhà báo Alaina Demopoulos ghé thăm, giá trứng rẻ hơn so với siêu thị nhưng vẫn vẫn ở mức ngoài sức tưởng tượng so với một một năm trước, dao động từ 6,90 USD đến 8,99 USD một tá. John Philips, chủ nhà hàng Mansion Diner lâu đời, cho biết nhu cầu đối với món trứng tráng và các món trứng khác vẫn cao, bất chấp giá tăng gần đây.
“Giá tăng không ngăn mọi người đặt bữa sáng, nhưng điều đó sẽ biến khách hàng năm ngày một tuần thành khách hàng bốn ngày một tuần, hoặc khách hàng ba ngày một tuần”, ông Philips nói.
Philips cho biết thêm nhà hàng của ông hàng ngày gọi điện cho 5 công ty để hỏi giá trứng, họ mua theo 30 thùng, mỗi thùng 12 quả trứng. “Giá tăng từ 85 USD lên 165 USD”, ông cho hay. “Đó là một sự thay đổi lớn. Tại một số thời điểm, chúng tôi có thể mua được trứng rẻ hơn từ một trang trại hữu cơ ở ngoại ô New York so với mua từ nơi bán buôn”.
Ông và các nhân viên nhà hàng thường xuyên thay đổi nhà cung cấp. “Thật phức tạp”, ông Philips nói. “Tôi bán bánh mì kẹp pho mát để kiếm sống, và bây giờ tôi phải suy tính như một nhà kinh tế học khi mua những quả trứng”, ông chủ nhà hàng này bức xúc.