Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mỹ kết án cựu thủ lĩnh băng đảng Haiti 35 năm tù

(VTC News) -

Mỹ kết án 35 năm tù với cựu thủ lĩnh Germine Joly của băng đảng Haiti khét tiếng 400 Mawozo vì tội rửa tiền, bắt cóc và buôn lậu vũ khí.

Reuters đưa tin, ngày 24/6 (giờ địa phương), tòa án ở Miami (bang Florida, Mỹ) đã kết án 35 năm tù đối với Germine Joly, cựu thủ lĩnh của băng đảng Haiti khét tiếng 400 Mawozo, vì tội rửa tiền, bắt cóc và buôn lậu vũ khí từ Mỹ sang Haiti.

Germine Joly, thủ lĩnh băng đảng đã bắt cóc các nhà truyền giáo Mỹ ở Haiti, bị dẫn độ về Mỹ. (Ảnh: Cảnh sát Quốc gia Haiti)

Trong một văn bản nhận tội hồi đầu năm nay, Joly thừa nhận tham gia vào âm mưu buôn lậu vũ khí của Mỹ đến Haiti và giúp chuyển tiền, trong đó bao gồm tiền chuộc từ việc bắt cóc công dân Mỹ.

Băng đảng 400 Mawozo gây rúng động vào tháng 4/2021 khi bắt cóc 5 linh mục Công giáo và 2 nữ tu, trong đó có 2 người quốc tịch Pháp. Sáu tháng sau đó, chúng bắt cóc 17 nhà truyền giáo người Mỹ và Canada.

Thủ lĩnh hiện tại của băng đảng, Joseph Wilson, được biết đến với cái tên Lanmo Sanjou, nằm trong danh sách truy nã gắt gao nhất của FBI vì liên quan đến vụ bắt cóc năm 2021 với phần thưởng lên tới 1 triệu USD.

Các công tố viên Mỹ cho biết Joly buôn lậu ít nhất 24 khẩu súng, bao gồm AK-47, AR-15, một súng trường M4 Carbine, một súng trường M1A và một khẩu súng trường cỡ nòng .50 cấp quân sự.

“Những kẻ cầm đầu các băng nhóm bạo lực ở Haiti khủng bố công dân Mỹ nhằm thúc đẩy hoạt động tội phạm của chúng sẽ phải đối mặt với sự trừng trị nghiêm khắc của pháp luật”, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland cho biết trong một tuyên bố, trong khi các cơ quan khác của Mỹ khẳng định kế hoạch kiểm soát hoạt động sử dụng súng tốt hơn.

Các báo cáo của Liên hợp quốc chỉ ra rằng hầu hết vũ khí thu giữ được từ các băng đảng đều được buôn lậu từ Mỹ.

Mexico và các quốc gia trên khắp vùng Caribe đã thúc đẩy Mỹ phải làm nhiều hơn để ngăn chặn dòng vũ khí bất hợp pháp đến các nhóm tội phạm trên toàn khu vực.

Haiti đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo do các băng nhóm hiện đang kiểm soát phần lớn thủ đô.

Liên Hiệp Quốc ước tính có gần 2.500 người bị bắt cóc ở Haiti vào năm ngoái, tăng từ mức 1.359 vào năm 2022.

Kenya cam kết dẫn đầu một phái đoàn an ninh quốc tế để giúp lực lượng cảnh sát Haiti thiếu vũ khí chống lại các băng đảng, nhưng sứ mệnh vẫn chưa được triển khai kể từ lần đầu được đề xuất vào năm 2022. Chính phủ Mỹ cho biết đội quân đầu tiên có thể đặt chân đến Haiti trong tuần này.

Hoa Vũ

Tin mới