Hôm 23/7, Bộ Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương cho biết, 2 máy bay ném bom siêu thanh B-1B Lancer cất cánh từ căn cứ Andersen trên đảo Guam đến Biển Đông làm nhiệm vụ trong khuôn khổ chương trình "Biệt đội Ném bom chiến lược tầm xa".
Trong chuyến bay, các thành viên Phi đội Ném bom Viễn chinh 37 sẽ diễn tập phối hợp hàng hải với nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan trên Biển Philippines.
Theo thông cáo của Bộ Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương: “Động thái này thể hiện cam kết của Mỹ đối với an ninh và ổn định tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời thể hiện năng lực triển khai nhanh chóng đến một địa điểm đang diễn ra hoạt động ở tiền tuyến, duy trì hoạt động bất kỳ khi nào được yêu cầu".
Oanh tạc cơ B1-B Lancer diễn tập với tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan trên Biển Philippines. (Ảnh: US Navy)
Hoạt động của 2 oanh tạc cơ B-1B Lancer diễn ra liên tục 14 tiếng không ngắt quãng. Thực hiện nhiệm vụ còn có sự hỗ trợ của máy bay tiếp dầu trên không KC-135 từ Phi đội tiếp nhiên liệu viễn chinh 506 và Đơn vị bảo dưỡng máy bay 37.
Thiếu tá Lincoln Coleman, chỉ huy Phi đội Ném bom Viễn chinh 37, cho biết: "Thiết kế của BTF (chương trình Biệt đội Ném Bom) tạo ra sự linh hoạt để các máy bay ném bom của chúng tôi hoạt động tại mọi khu vực đảm trách và củng cố mức độ sẵn sàng. Điều này đảm bảo chúng ta có năng lực triển khai sức mạnh không quân trên khắp thế giới".
Động thái điều oanh tạc cơ B-1B Lancer của Mỹ đến Biển Đông diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang tiến hành cùng lúc 2 cuộc tập trận quy mô lớn trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thể hiện cam kết của nước này đối với an ninh và ổn định ở khu vực.
B-1B Lancer đóng vai trò là xương sống trong lực lượng máy bay ném bom tầm xa của Mỹ. Loại máy bay này có khả năng mang theo 34 tấn bom đạn, nhiều hơn tất cả các máy bay ném bom khác của Mỹ.
B-1B Lancer còn có các giá treo vũ khí ở bên ngoài. Mặc dù dòng máy bay này không được trang bị vũ khí hạt nhân, song nó có thể mang theo nhiều loại bom và tên lửa khác nhau.