Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Muốn phát triển kinh tế xanh, Việt Nam cần làm gì?

(VTC News) -

Chuyên gia đưa ra giải pháp để chuyển đổi xanh hiệu quả tại “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh” do VOV tổ chức sáng 17/4.

Theo đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), để đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, có 5 nhóm việc cần Việt Nam triển khai, thực hiện. Đó là:

Hoàn thiện hành lang pháp lý về kinh tế xanh. "Đây chính là yếu tố quan trọng, tiên phong quyết định hướng đi “xanh” của nền kinh tế", bà Yên nói.

Cần tạo được sự đồng thuận, đồng lòng từ Chính phủ đến doanh nghiệp và người dân, nhằm giải quyết các thách thức về môi trường như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, phá rừng, khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên…

Tập trung khai thác và phát triển hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng bền vững thay thế cho nguồn năng lượng ảnh hưởng đến môi trường.

Đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, tập trung thiết kế ra các sản phẩm tái sử dụng; sửa chữa, tái sản xuất và tái chế để giảm thiểu phát sinh chất thải dễ gây ra ô nhiễm cho môi trường.

Cuối cùng cần tăng cường hợp tác quốc tế ở cấp độ song phương và đa phương, lan tỏa thông điệp về một Việt Nam quyết tâm chuyển đổi xanh, học hỏi công nghệ, là đối tác tích cực của cộng đồng quốc tế chung tay giải quyết bài toán chung của toàn cầu.

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Bà Yên phân tích, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đặt ra mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

“Nghị quyết số 29–NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tập trung vào việc thúc đẩy công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, đặc biệt trong việc chuyển đổi số và chuyển đổi xanh các ngành và lĩnh vực.

Mục tiêu là tăng cường sức cạnh tranh và bền vững cho nền kinh tế thông qua việc áp dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, cũng như chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp sang các ngành có tính nền tảng và thân thiện với môi trường”, bà Yên nói.

Trong khi đó, TS Lê Quốc Vệ, Cục trưởng Cục phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) nhận định, Việt Nam là một trong năm quốc gia trên thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng do có tới trên 3.260 km bờ biển, chưa kể bờ biển của các hải đảo.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu sẽ khiến thu nhập quốc gia của Việt Nam giảm 3,5% GDP vào năm 2050.

Cùng với đó, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại đang ngày càng gia tăng áp lực đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

“Chính vì vậy, việc phát triển kinh tế xanh là một xu thế tất yếu nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu trên, đồng thời vẫn bảo đảm phát triển môi trường bền vững, tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu”, ông Vệ nói.

Trước đó, phát biểu khai mạc diễn đàn, Tổng Giám đốc VOV Đỗ Tiến Sỹ khẳng định: Trước những tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, chuyển đổi xanh đang là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Thực tế đã chứng minh tăng trưởng xanh giúp đạt được mục tiêu kép về phát triển kinh tế và hạn chế tác hại đến môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững.

Xét theo lĩnh vực, kinh tế xanh được xuất phát từ việc tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực giúp bảo vệ và phát triển vốn tự nhiên của trái đất, hạn chế suy giảm tính đa dạng của hệ sinh thái và các rủi ro về môi trường, bao gồm: Năng lượng tái tạo, giao thông phát thải carbon thấp, xây dựng nhà hiệu quả năng lượng, các công nghệ sạch, hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, hệ thống cung cấp nước sạch tiên tiến, và nông - lâm - ngư nghiệp bền vững.

"Việc đầu tư này cần được hỗ trợ bởi các cải cách về chính sách và những nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng của thị trường", ông Sỹ nhấn mạnh.

Thời gian qua, để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xanh, Nhà nước đã có nhiều biện pháp khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp cận và áp dụng mô hình nông nghiệp xanh, phát triển công nghiệp xanh, đầu tư vào năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính...Nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, gắn với phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

PHẠM DUY - CÔNG HIẾU

Tin mới