Việc nâng mức giảm trừ cho người nộp thuế lên 11 triệu đồng/tháng đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi. Tại cuộc Họp báo Thường kỳ chiều nay, 3/3, nhiều ý kiến của báo chí cho rằng con số này chưa thực sự hợp lý. Thậm chí mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng đang bị đánh giá là lạc hậu, lỗi thời trong khi thực tế thu nhập của người Việt tăng lên đáng kể.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, tại công văn số 2137/BTC-CST, Bộ Tài chính đã nhấn mạnh việc xin ý kiến rộng rãi đến các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp về vấn đề điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân để hoàn chỉnh hồ sơ. Bộ này cũng gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng điều hành cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ.
Bà Vũ Thị Mai Mai nhấn mạnh, mức giảm trừ gia cảnh được Bộ Tài chính đưa ra dựa trên căn cứ pháp luật, tại khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13.
"Mức 11 triệu đồng được đưa ra dựa trên các nghiên cứu kỹ lưỡng và được đánh giá là phù hợp với các biến động của tình hình kinh tế, xã hội hiện nay", bà Mai khẳng định.
Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, trong quá trình thực hiện nghiên cứu việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, Bộ trưởng đã chỉ đạo thường xuyên cập nhật các chỉ số từ các bộ ngành, địa phương.
Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê cung cấp, chỉ số CPI tại thời điểm cuối tháng 12/2019 so với thời điểm 01/7/2013 tăng 23,2%.
Căn cứ vào các quy định trên, Bộ Tài chính thấy cần thiết phải nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN như trên.
Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm, sẽ điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế lên 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng.
"Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh (cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng; người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng) sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với thời điểm năm 2013. Số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng nộp thuế, trong đó mức độ giảm số thuế phải nộp của nhóm người nộp thuế ở bậc thuế thấp sẽ cao hơn so với những người nộp thuế ở bậc thuế cao", bà Mai thông tin.
Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh nêu trên sẽ áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.
Việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh, theo bà Mai, sẽ đảm bảo thực hiện mục tiêu chính sách động viên hợp lý, công bằng, góp phần nâng cao đời sống của người nộp thuế, tạo động lực khuyến khích mọi cá nhân ra sức lao động, sản xuất kinh doanh, gia tăng thu nhập làm giàu chính đáng; đảm bảo chính sách đơn giản, rõ ràng, minh bạch, thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế, tính tuân thủ pháp luật về thuế.
Việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cũng góp phần điều tiết hợp lý thu nhập, góp phần thực hiện công bằng xã hội, hạn chế chênh lệch giàu nghèo.
Trước đó, theo thông báo từ Bộ Tài chính, nếu áp dụng mức giảm trừ theo mức dự kiến là 11 triệu đồng/tháng cho bản thân người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc thì một phần lớn số người nộp thuế ở bậc 1 sẽ chuyển sang diện không phải nộp thuế, tương tự những người nộp thuế ở các bậc thuế còn lại đều được giảm số thuế phải nộp, qua đó dự kiến giảm thu NSNN xuống còn khoảng 68.921 tỷ đồng.
Như vậy với đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh nêu trên thì số thu về thuế TNCN 1 năm giảm khoảng 10.300 tỷ đồng (tương đương giảm khoảng 13% số thu ngân sách từ thuế TNCN năm 2019).
Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh nêu trên sẽ áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.