Ô tô dần trở thành phương tiện phổ biến tại Việt Nam, tỷ lệ người sở hữu ô tô tăng mạnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nhiều gia đình mua xe nhưng lại rất ít đi vì sự bất tiện như tìm chỗ gửi, chi phí nuôi tốn kém, mua chỉ để về quê...nên rơi vào tình trạng "không có thì thiếu mà có thì thừa", chủ yếu vẫn đi xe máy cho tiện và tiết kiệm.
Vậy đối với những ô tô ít đi như thế, chủ xe có nên cho thuê để kiếm thêm thu nhập hay không?
Nhiều người mua xe nhưng nhu cầu sử dụng đi lại rất ít. (Ảnh minh họa: Autufun)
Những rủi ro khi cho thuê xe
Cầm cố, mua bán
Đã có vài trường hợp người thuê xe lừa đảo, mang xe đi cầm cố hoặc bán cho người khác khi đã làm giả được giấy tờ của chính chủ. Bên cạnh đó, tình trạng cũng hay gặp khi cho thuê xe chính là xe bị "luộc" đồ. Người thuê mang xe đi tháo phụ tùng "zin" và đánh tráo bằng các phụ kiện kém chất lượng hơn, từ những chi tiết ngoại thất, nội thất đến động cơ bên trong cũng đều có khả năng bị tráo đổi.
Tai nạn, phạt nguội
Điều đáng lo ngại không kém khi cho thuê xe chính là việc xe bị tai nạn, nhẹ hơn thì va chạm. Tuy nhiên, dù nặng hay nhẹ thì cũng đều ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của người cho thuê.
Ngoài ra, khi cho thuê xe, chủ sở hữu còn phải đối mặt với nguy cơ người thuê vi phạm luật giao thông và bị phạt nguội. Đến khi nhận thông tin phạt nguội thì không dễ dàng để liên hệ và khiến người thuê xe phải thực hiện bồi thường, trả tiền phạt.
Sử dụng vào mục đích xấu
Tình huống xấu hơn là người thuê xe đã có chủ đích dùng xe cho việc làm phi pháp, vận chuyển ma túy, đánh ghen...Những điều này đều gây ra phiền phức lớn đối với các chủ xe.
Mua xe ô tô nhưng ít đi có nên cho thuê không?
Việc cho thuê xe sẽ mang lại thu nhập đáng kể, vì vậy, nếu đã đáp ứng được những yêu cầu trên, tìm được đối tượng thuê đáng tin thì bạn có thể cho thuê lại chiếc xe của mình. Bên cạnh đó, bạn cũng cần cân nhắc đến vấn đề tài chính. Bạn nên cho thuê những mẫu xe phổ thông, bình dân hoặc xe cũ. Không nên mua trả góp rồi cho thuê vì điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và lợi nhuận thu về cũng không cao so với chi phí phải bỏ ra.
Kinh nghiệm cho thuê xe ô tô
Lắp định vị cho xe
Để đảm bảo an toàn cho chiếc xe của mình nếu cho thuê, bạn nên lắp đặt hệ thống định vị GPS để có thể theo dõi xem xe của mình đang ở đâu, đi đến những nơi nào. Có thiết bị này, bạn sẽ cảm thấy yên tâm hơn nhưng tuyệt đối không nên chủ quan. Thêm vào đó, có thể đầu tư thêm camera hành trình để nắm được những điều xảy ra trên đường, làm bằng chứng cho những phạt nguội nếu có.
Chủ xe cần thường xuyên theo dõi GPS. Nếu thấy xe còn định vị GPS nhưng từ ngày thứ hai trở lên (xe vẫn trong hợp đồng cho thuê) chỉ đứng yên một chỗ không sử dụng thì có thể xe đã bị cầm cố. Lúc này, hãy lần theo GPS và tìm vị trí những bãi giữ xe xung quanh nơi phát tín hiệu. Nếu xe đã bị cầm cố, chủ xe cần báo công an địa phương và cung cấp các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu xe.
Dán tem
Kinh nghiệm của những người đã từng cho thuê xe là hãy dán tem làm dấu vào các chi tiết dễ bị "luộc" một cách kín đáo. Điều này giúp bạn phát hiện được những bộ phận mình đã đánh dấu có bị đánh tráo hay không.
Xác định người thuê uy tín
Có người thuê xe chây ỳ không chịu trả xe nhằm mục đích xấu. Do đó, bạn cần chú ý đến đối tượng muốn thuê xe. Đây là điều quan trọng nhất của việc cho thuê xe. Với trường hợp cho thuê lâu dài thì chỉ nên cho người quen biết, công ty đối tác uy tín thuê.
Người cho thuê xe nên xác minh kỹ về nơi ở, nhân thân người thuê trước khi giao xe. Cần ký kết hợp đồng thuê tại cơ quan công chứng, nơi có nghiệp vụ kiểm tra giấy tờ nhân thân cũng như thể hiện sự xác nhận hai bên một cách rõ ràng trong nội dung hợp đồng.
Làm hợp đồng rõ ràng
Ô tô là một tài sản có giá trị, khi cho thuê dễ xảy ra nhiều rủi ro khó lường. Vì thế, trong hợp đồng, bạn cần lưu ý và viết đầy đủ các điều khoản, có đầy đủ giấy tờ và cam kết trách nhiệm khi không may xảy ra va chạm, phạt nguội…để tránh tình trạng tranh cãi, kiện tụng.