Theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế TP.HCM, tính từ đầu năm 2023 đến nay, toàn thành phố có 7.701 ca mắc sốt xuất huyết.
Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) khuyến cáo, TP.HCM đang bước vào mùa mưa, thời điểm dễ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết do phát sinh nhiều muỗi và lăng quăng ở các ổ nước đọng.
BSCKI Chu Văn Ninh - Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới - Hô hấp - Tiêu hóa (A4) Bệnh viện Quân dân Y miền Đông (TP.HCM) - cho biết: "Tính tới thời điểm hiện tại, bệnh viện chưa ghi nhận nhiều trường hợp sốt xuất huyết. Tuy nhiên, vào mùa mưa, nếu không thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, muỗi thì khả năng bùng dịch khá cao".
BSCKI Chu Văn Ninh, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới - hô hấp - tiêu hóa (A4) Bệnh viện Quân dân y miền Đông, TP.HCM. (Ảnh: BSCC)
Thống kê 6 tháng đầu năm 2023, số ca sốt xuất huyết mà Bệnh viện Quân dân y miền Đông tiếp nhận là 150 ca. Thông thường, 6 tháng cuối năm sẽ tăng gấp 5 - 7 lần 6 tháng đầu năm do vào mùa mưa.
Những năm gần đây, sốt xuất huyết có khuynh hướng chuyển dịch tỷ lệ mắc từ trẻ em sang người lớn, trẻ lớn. Trong đó, tỷ lệ người lớn bị sốt xuất huyết khá cao, thậm chí chuyển biến nặng. Muỗi vằn có ở khắp nơi, thường đốt vào ban ngày, sinh sản nhanh trong mùa mưa. Vì vậy, người lớn vẫn có khả năng mắc bệnh và chuyển biến nặng, tuyệt đối không được chủ quan.
Cần loại bỏ vật phế thải gây đọng nước, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến, ngăn không cho nước mưa vào. (Ảnh: HCDC)
"Hiện nay chưa có thuốc đặc trị, chưa có vaccine để phòng ngừa. Phương pháp điều trị chính là hỗ trợ và nâng đỡ cơ thể. Bệnh nhân sẽ ăn những thức ăn ở dạng lỏng, dễ tiêu hóa; cung cấp đủ nước cho cở thể để điều hòa thân nhiệt; khi sốt cao ≥ 38 độ C, ngay lập tức, bệnh nhân phải uống thuốc hạ sốt, chườm khăn mát", BS Ninh nói.
Trong trường hợp bệnh trở nặng gây sốc, bắt buộc phải chống sốc. Nếu xuất huyết nặng, bệnh nhân phải được truyền máu. Nếu trường hợp nặng hơn, người bệnh sẽ được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.
Theo BS Ninh, khi người bệnh sốt cao liên tục từ 2 - 7 ngày kèm triệu chứng đau đầu, đau nhức cơ khớp, buồn nôn, nôn ói, phát ban, chấm xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài đi máu. Đặc biệt ở trẻ em, nếu trẻ bỏ ăn, bỏ bú, mệt mỏi dù đã hết sốt, cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị.
Ngoài ra, BS Ninh cũng khuyến cáo mọi người không nên chủ quan, tự đoán bệnh, tự điều trị, tránh trường hợp khi đến bệnh viện thì bệnh trở nặng gây lừ đừ, bứt rứt, bồn chồn, xuất huyết nhiều, đau bụng, khó thở, thở nhanh và nôn nói...
Ở Việt Nam, bệnh xảy ra quanh năm, nhưng dịch sốt xuất huyết thường bùng phát vào mùa mưa. Chính vì vậy, phương châm duy nhất để ngăn chặn tình trạng bùng phát diễn ra là "không có lăng quăng, bọ gậy, không có muỗi vằn thì không có xuất hiện sốt xuất huyết".
"Phải luôn dọn dẹp nhà cửa thường xuyên; giữ cho không gian nhà được thông thoáng, sạch sẽ; sử dụng rèm cửa chống côn trùng và muỗi; đảm bảo khu vực nhà ở và sinh hoạt luôn khô ráo và không xuất hiện nước đọng; có thể sử dugj tinh dầu chanh, sả để xua đuổi muỗi. Ngoài ra, nếu xuất hiện các triệu chứng trên, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh trường hợp để nặng dẫn đến tử vong", BS Ninh nhấn mạnh.