Mưa lớn kéo dài nhiều ngày
Văn Phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, trong 3 ngày (từ 19h ngày 26/7 đến 19h ngày 29/7), miền núi phía Bắc, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 90-160 mm. Một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Đức Phú (Bình Thuận) 256 mm, Quảng Thành (Đắk Nông) 203 mm, Bảo Lâm (Lâm Đồng), Vĩnh Châu (Sóc Trăng) 232mm, Rạch Giá (Kiên Giang) 256 mm.
Nước lũ quét qua nhà dân ở huyện Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng). (Ảnh: Báo Lâm Đồng)
Theo cơ quan khí tượng, ngày 30/7, nhiều nơi trên cả nước xuất hiện mưa to. Lượng mưa tính từ 7h - 15h ngày 30/7 có nơi trên 60 mm như: Hạ Long (Quảng Ninh) 61.4 mm, Nam Từ Liêm (Hà Nội) 76.8 mm, Đông Giang (Bình Thuận) 68.8 mm, Đắk Song (Đắk Nông) 118.2 mm, Bảo Lộc (Lâm Đồng) 136.4 mm, Tân Phú (An Giang) 66.6 mm...
Trong đó tại Bình Thuận, từ 0h đến 6h ngày 30/7, khu vực này mưa to như, lượng mưa tại một số nơi trên 70 mm như: Gia Huynh 73.2 mm, Gia An 71.8 mm, Suối Kiết 3 70 mm…
Lực lượng cứu nạn, cứu hộ đang tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Thiệt hại nặng nề
Tại tỉnh Lâm Đồng, sáng 30/7, đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) xuất hiện nhiều điểm sạt lở đất, cây ngã đổ, đá rơi khiến việc qua lại đèo trở nên khó khăn, nguy hiểm. Đến 14h45, bờ đất phía sau Trạm cảnh sát giao thông đèo Bảo Lộc (TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) sạt lở nghiêm trọng. Một lượng đất đá khổng lồ đã đổ xuống khu nhà làm việc của các chiến sĩ ở đây làm 3 chiến sĩ và 1 người dân mất tích.
Mưa lớn kéo dài gây sạt lở, đất đá, cây cối ngã đổ tràn ra đường gây ùn tắc giao thông trên đèo Bảo Lộc.
Các huyện Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai xuất hiện đợt mưa lớn trên diện rộng, với lượng mưa lớn đổ về nhanh gây ngập nặng và ách tắc một số tuyến đường tại các địa phương.
Tại tỉnh Đắk Lắk, từ ngày 26/7 đến nay, trên địa bàn huyện Ea Súp và Lắk của tỉnh Đắk Lắk xuất hiện mưa lớn kéo dài gây ngập lụt nhiều diện tích lúa, hoa màu của người dân và nhiều tuyến đường gây chia cắt cục bộ.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, sáng 30/7, một trận mưa lớn kèm lốc xoáy kéo dài khoảng 1 giờ đã khiến nhiều ngôi nhà ở thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bị tốc mái, tôn bay xa hàng chục mét. Nhiều trụ điện, cây trái, hoa màu của người dân bị gãy đổ, hư hại.
Lốc xoáy làm nhiều căn nhà ở Bà Rịa - Vũng Tàu tốc mái. (Ảnh: Gia Khang/VOV-TP.HCM)
Còn tại tỉnh Bạc Liêu, tính đến trưa 30/7 đã có 59 căn nhà của người dân tại các huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Phước Long, Hồng Dân và thị xã Giá Rai bị mưa lớn kèm lốc xoáy làm thiệt hại, trong đó có 7 căn sập và 52 căn tốc mái.
Nghiêm trọng hơn, tại xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, mưa lớn kèm lốc xoáy đã gây sập hoàn toàn một căn nhà, làm chết 1 người, bị thương 1 người.
Mưa lũ cũng gây thiệt hại nhiều nhà cửa và lúa ở An Giang. Cơn mưa kèm theo dông gió đã gây thiệt hại 13 căn nhà của người dân trên địa bàn xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, có 9 căn bị tốc mái, 3 căn bị sập hoàn toàn và 1 căn bị lũ cuốn. Lũ kèm mưa còn làm khoảng 246 ha lúa, rau màu của người dân bị dập và ngập nước. Tuyến Tỉnh lộ 955B bị ngập nhiều đoạn từ 20-50cm, xe máy không di chuyển qua lại được.
Trước đó, ngày 29/7, mưa lớn kéo dài khiến một vị trí trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đoạn thuộc địa phận huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận bị ngập nước, làm nhiều xe chết máy, giao thông ùn tắc.
Nguy cơ sạt lở rất cao
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, cùng với Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ thì từ chiều tối 30/7 đến ngày 31/7, các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận mưa rào và dông, cục bộ mưa to với lượng mưa 20-40 mm, có nơi trên 70 mm. Mưa tập trung vào chiều tối và đêm.
Từ chiều tối 30/7 đến ngày 1/8, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ mưa rất to với lượng mưa 50-100 mm, có nơi trên 170 mm.
Dự báo thời tiết 10 ngày tới tại Lâm Đồng, khu vực này nhiều mây, trời mưa trong các ngày 31/7 và 1/8. Từ 2/8 đến 9/8, Lâm Đồng mưa rào và dông.
Dự báo thời tiết tỉnh Lâm Đồng trong 10 ngày tới. (Ảnh: NCHMF)
Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Cơ quan khí tượng cảnh báo, lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân, gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện, phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế- xã hội.
Ngoài ra, người dân cần đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông khả năng xảy ra lốc, sét, và gió giật mạnh.