Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mưa lớn kéo dài, nhiều hồ thủy điện tiếp tục phải xả lũ

(VTC News) -

Theo Tập đoàn Điện lực (EVN), đến trưa 4/9, mưa lớn diễn ra tại nhiều địa phương, lượng nước về nhiều, hàng chục hồ thuỷ điện phải xả lũ để đảm bảo an toàn hồ đập.

Các hồ thuỷ điện phải xả lũ gồm: Sơn La 879 m3/s; Hòa Bình 2.207 m3/s; Lai Châu 1.167 m3/s; Tuyên Quang 634 m3/s; Trung Sơn (Thanh Hoá) 90 m3/s; Sê San 4 (Gia Lai) 100 m3/s; Srêpốk 3 (Đắk Lắk) 692 m3/s; Buôn Kuốp (Đắk Lắk) 563 m3/s; Buôn Tua Srah (Đắk Lắk) 276 m3/s; Hàm Thuận (Bình Thuận) 171 m3/s; Trị An (Đồng Nai) 1.345 m3/s; Thác Mơ (Bình Phước) 294 m3/s...

Nhiều hồ thuỷ điện trong cả nước tiếp tục phải xả lũ vì lượng nước đổ về dồn dập.

Các hồ thủy điện có lưu lượng về nhiều, dao động nhẹ so với hôm qua gồm: Hồ Sơn La 1.984 m3/s; hồ Hòa Bình 2.726 m3/s; hồ Thác Bà 188 m3/s; hồ Tuyên Quang 220 m3/s; Lai Châu 810 m3/s, hồ Trung Sơn 170 m3/s, Bản Vẽ (Nghệ An) 170 m3/s, Srêpốk 3 711 m3/s , Buôn Kuốp 563 m3/s, Buôn Tua Srah 277 m3/s, Hàm Thuận 218 m3/s, Trị An 1.560 m3/s...

Các hồ thủy điện lớn còn lại đều có mực nước mức quy định và chủ động vận hành phát điện để sử dụng hiệu quả nguồn nước.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 4 đến 5/9, khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông với lượng mưa từ 30-70 mm, có nơi trên 110 mm; khu vực Bắc Tây Nguyên và khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 20-50 mm, có nơi trên 100 mm. Từ ngày 6/9 mưa dông và mưa lớn cục bộ ở Tây Nguyên và Nam Bộ còn có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.

Đêm 4 và ngày 5/9, vùng biển phía Đông Bắc của Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh; sóng cao 3,0-5,0 m. Vùng biển phía Nam khu vực giữa Biển Đông, vùng biển phía Bắc khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; độ cao sóng trên các vùng biển này dao động trong khoảng 2,0-3,5m.

Trước tình trạng trên, để đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện, EVN cũng yêu cầu các doanh nghiệp, nhà máy, chủ hồ chứa nghiêm túc triển khai những nội dung cấp thiết và phù hợp để tăng cường công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thuỷ điện.

Để đảm bảo an toàn hồ đập, nhiều hồ thuỷ điện lớn tiếp tục phải xả lũ. (Ảnh: EVN)

Các chủ hồ chứa thuỷ điện phải nghiêm túc thực hiện quy trình vận hành hồ chứa và quy trình vận hành liên hồ chứa thuỷ điện; kiểm tra, đánh giá hiện trạng các hạng mục công tình như đập dâng, công trình xả lũ, cửa nhận nước, các bờ vai đập, các thiết bị cơ khí, thiết bị điện và thiết bị quan trắc chuyên dùng; khắc phục kịp thời các hư hỏng, khiếm khuyết (nếu có).

Các chủ hồ chứa thủy điện cũng phải theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thuỷ văn và phối hợp với các cơ quan có liên quan vận hành hồ chứa theo đúng quy trình, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du; chủ động áp dụng cách thức cảnh báo, thông báo đến nhân dân vùng hạ du khi vận hành phát điện và xả lũ.

Cùng với đó là tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ được giao; chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy điện thuộc phạm vi quản lý chuẩn bị sẵn sàng và tập trung mọi nguồn lực để khắc phục kịp thời mọi sự cố; xây dựng phương án ứng phó tình huống khẩn cấp, ứng phó thiên tai, bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện và tổ chức diễn tập.

Các đơn vị cũng cần tăng cường lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cung cấp số liệu cho các đơn vị chức năng theo quy định, thông tin cảnh báo đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ; yêu cầu các công trình đang xây dựng dừng thi công, di dời người và thiết bị về vị trí an toàn trước khi bão lũ xảy ra.

PHẠM DUY

Tin mới