Ngày 8/4, Công ty cổ phần FPT tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến nhờ ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và hệ thống hội nghị. Đây là một trong những công ty đầu tiên thực hiện cách họp ĐHCĐ bằng cách trực tuyến trong mùa dịch.
Không gian sự kiện được chuyển từ 1.000 người thành phòng hội thảo 20 người. Trong hơn hai giờ liên tục, phiên họp có khoảng 450 cổ đông tham dự và 340 câu hỏi chất vấn ban lãnh đạo.
Ban lãnh đạo Công ty FPT đứng lên làm lễ chào cờ trong phiên họp ĐHCĐ thường niên 2020. Các thành viên tham dự đều đeo khẩu trang, mũ chống giọt bắn phòng virus lây lan. (Ảnh: Vân Anh).
Ngay sau đó, nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM cũng chốt danh sách cổ đông để xin ý kiến điều chỉnh quy chế nội bộ về quản trị công ty nhằm hợp thức việc họp, biểu quyết và bầu cử từ xa.
Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) mới đây thông báo họp trong hai ngày 5-6/6 bằng cả hình thức trực tuyến qua điện thoại và trực tiếp tại trụ sở. Ngày đầu tiên công ty dành cho cổ đông đăng ký dự họp, hôm sau sẽ khai mạc và trình bày các tờ trình. Công ty khuyến khích cổ đông họp trực tuyến vì số lượng tham dự tại trụ sở sẽ bị giới hạn theo quy định hạn chế tụ tập đông người của Bộ Y tế.
Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (STB) cũng dự kiến họp trực tuyến tại Hội sở trong ngày 5/6 sau khi hủy phiên họp ngày 24/4. Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM) cho hay đang xin ý kiến cổ đông tổ chức bằng hình thức này vào ngày 26/6. Trong trường hợp bị phủ quyết hoặc điều kiện cho phép, công ty sẽ họp trực tiếp.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng đang chốt danh sách cổ đông để họp trong tháng 5, như Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT), Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (SVC)... nhưng chưa ấn định địa điểm. Trong khi đó, Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTG) và Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (ROS) đều hoãn phiên họp đến trước 30/6.
Tập đoàn Hà Đô (HDG) và Tập đoàn Dabaco (DBC) sẽ họp vào cuối tháng 4 tại trụ sở ở Hà Nội và TP.HCM. Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) và Chứng khoán Tân Việt (TVSI) họp trực tuyến ngày 25/4 và 29/4.
Đại diện ban quan hệ nhà đầu tư của một doanh nghiệp tại TP.HCM cho biết, phương án họp và biểu quyết trực tuyến được tính đến ngay khi hủy phiên họp cuối tháng 3. Tuy nhiên, khảo sát sơ bộ thì phương án này không được ủng hộ cao vì đa số cổ đông lớn tuổi và không thành thạo công nghệ. Điều này khiến việc biểu quyết các tờ trình và bầu Thành viên HĐQT kéo dài, phiên họp có nhiều thời gian "chết".
Một số doanh nghiệp này vẫn chờ diễn biến của dịch bệnh để chốt phương án họp trực tiếp hoặc trực tuyến, nhưng trước mắt đang xin bổ sung quy chế nội bộ để nếu trong kịch bản xấu phải họp trực tuyến.
Trước đó vào cuối tháng 3, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) hướng dẫn tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên sau khi nhận được nhiều phản ánh việc tổ chức họp gặp khó khăn vì yêu cầu kiểm soát dịch bệnh. Theo đó, nếu công ty không tổ chức trong 4 tháng từ ngày kết thúc năm tài chính thì phải có văn bản đề nghị gia hạn với Sở Kế hoạch & Đầu tư. Nếu dự định họp trực tuyến, công ty phải rà soát điều lệ và quy chế nội bộ để đảm bảo đúng luật.
SSC đề nghị Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) hỗ trợ công ty đại chúng chốt danh sách cổ đông phục vụ phiên họp thường niên. Trước đó, SSC cũng đề xuất Bộ Tài chính trình Chính phủ triển khai giải pháp họp đại hội đồng cổ đông trực tuyến, bỏ phiếu qua hệ thống bỏ phiếu điện tử. Hệ thống này được VSD áp dụng từ đầu năm 2017, mục đích ban đầu giúp các cổ đông đảm bảo quyền và lợi ích tại phiên họp thường niên.