Đại diện đơn vị này cho hay từ 20/6 đến nay, CSGT toàn quốc đã xử lý trên 241.800 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền gần 374,5 tỷ đồng, tước 35.000 bằng lái và tạm giữ khoảng 51.300 xe cộ các loại. So với cùng kỳ năm 2021, số tiền xử phạt tăng 84%.
Trong đó, 28.500 tài xế vi phạm về nồng độ cồn đã bị xử lý, phạt tiền 127 tỷ đồng đồng, tước 18.800 bằng lái và hơn 28.500 xe cộ bị tạm giữ tạm giữ. So với cùng kỳ năm 2021, số ma men bị xử phạt tăng hơn 330%, số tiền phạt cũng tăng 362%.
CSGT Hải Dương kiểm tra nồng độ cồn trên quốc lộ 5. Ảnh: H.Q.
Đáng chú ý, đại diện Cục CSGT cũng cảnh báo các trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (trên 0,4 mg/l khí thở) còn cao, chiếm 29,6%. Ngoài ra, 382 người không chấp hành yêu cầu kiểm tra. Thời gian phát hiện các “ma men” nhiều nhất từ 18h-22h.
TP.HCM là địa phương có nhiều tài xế vi phạm nồng độ cồn nhất với 4.260 trường hợp, tiếp đó là Hà Nội (1.616 trường hợp), Bình Dương (1.251 trường hợp); Bắc Ninh (trường hợp); Bắc Giang (984 trường hợp); Quảng Ninh (828 trường hợp)…
Đồng thời trong cùng thời điểm trên, 13.210 trường hợp xe quá tải, cơi nới trái phép bị xử lý (8.615 lái xe và gần 4.600 chủ phương tiện). CSGT đã phạt tiền trên 63 tỷ đồng; tạm giữ 355 phương tiện; tước 5.386 bằng lái. Đặc biệt, lực lượng chức năng đã tháo, cắt 3.600 thùng xe cơi nới trái phép.
Ngoài ra, khoảng 25.200 lái xe chạy quá tốc độ bị xử lý trong một tháng qua. Nhiều nhất là ôtô con, xe máy và xe tải.
Cân tải trọng xe tại Hải Phòng. Ảnh: H.Q.
Đợt cao điểm này kết thúc vào 20/9, tuy nhiên tại hội nghị sơ kết an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2022, thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết sau 20/9, lực lượng CSGT sẽ duy trì việc kiểm tra xử lý như thời gian cao điểm. “Không để trường hợp các doanh nghiệp, chủ xe ‘chờ thời’ đợi hết cao điểm thì hoạt động trở lại’, ông Long khẳng định.