Không ai có thể nghe thấy những tiếng kêu cứu của họ. María Oliva Pérez (một phụ nữ trẻ quê ở bang Caquetá- Nam Colombia, sát rừng Amazon) và ba đứa con nhỏ bị lạc lối trong rừng Amazon, khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới. Sau một tháng lạc lối trong tuyệt vọng, điều may mắn đến với họ.
Lạc lối trong đêm
Ngày 19/12/2019, María Oliva Pérez, một người phụ nữ sống cùng gia đình trong thị trấn nhỏ có tên là Puerto Leguízamo thuộc bang Putumayo quyết định đi thăm chồng là Andrés Parra đang làm thuê cho một trang trại tại làng Bellavista.
Đây là lần đầu tiên cô và các con đến đó, họ ra đi khá vội vàng, không mang theo quần áo dự trữ để thay.
Dân làng La Esperanza, thuộc lãnh thổ Peru đón và chăm sóc María Oliva cùng các con cô khi họ vừa được cứu thoát từ khu rừng Amazon.
Ban ngày Maria Oliva biết rõ những ngọn núi trải dài cho đến hết tầm nhìn này sẽ dẫn đến đâu. Cô và ba đứa con đi mất khoảng hai tiếng đồng hồ để đến được trang trại nơi chồng cô làm việc.
Họ quay trở về vào lúc 5 giờ chiều, khi đó trời còn sáng. Nhưng khi bóng tối ập đến họ thì lúng túng và bị lạc lối, không thể nhận ra con đường nào là đường để quay trở về nhà.
Maria cùng ba đứa con, hai gái và một trai (10, 12 và 14 tuổi) sau đó chọn một con đường để đi tiếp. Thật bất hạnh, họ chọn nhầm hướng và đó là con đường ngày càng đi sâu vào trong rừng.
Khi cơn mưa như thác đổ ập đến, họ phải chui vào dưới một gốc cây co cụm và ép sát vào nhau, run rẩy chờ đợi trời hửng sáng với hy vọng tìm lại được con đường để trở về nhà. Suốt cả ngày hôm sau họ mải miết đi nhưng vẫn không thể tìm ra con đường để trở về nhà.
Năm ngày tiếp sau đó, bốn mẹ con Maria không dám ăn bất cứ thứ gì, họ chỉ uống nước tại những con ngòi mà họ gặp được trên đường. Sau 5 ngày tất cả lả đi vì đói.
Để chống chọi với nỗi lo sợ và cơn đói đang giày vò, người mẹ trẻ chỉ còn cách duy nhất là không ngừng động viên các con: “Thượng Đế rất vĩ đại, người sẽ đến cứu giúp mẹ con chúng ta”.
Loay hoay trong sợ hãi
Trên đường, họ luôn phải tránh những lối đi in dấu chân những con thú lớn vì thế họ liên tục phải đổi hướng đi để tránh phải đối mặt với những con thú dữ.
Trong thời gian đó, André, chồng của Maria rất lo lắng vì không có tin tức gì của vợ con, anh nghỉ làm ở trang trại để đi tìm họ. Anh cũng báo với nhà chức trách về sự mất tích của họ từ ngày 23/12 và nhấn mạnh về việc 5 ngày anh ta không có một chút thông tin gì về vợ con mình.
María Oliva và các con cô được đính kèm trong thông báo khẩn cấp gửi đi từ ngôi làng La Esperanza.
Người đầu tiên bị suy sụp là María Oliva, cô bị sốt cao, những vết tấy đỏ xuất hiện ở chân và bẹn. Trái tim cô lại càng quặn thắt vì đau đớn khi nghe đứa con gái lớn nói: “Mẹ ơi, hôm nay là Noel rồi mẹ ạ, con sẽ chẳng nhận được món quà mà con vẫn đang mong chờ nữa rồi”.
Những ngày tiếp sau đó họ bắt đầu ăn một loại hạt có vị ngọt mà họ nhìn thấy trên đường, thứ thực phẩm duy nhất họ tìm thấy trong khu rừng già.
“Tôi không muốn ăn những hạt này”, María Oliva kể lại: “Tôi nghĩ rằng chúng thuộc loại hạt độc, nhưng nếu lũ trẻ ăn và chết còn tôi không ăn và sống sót một mình… tôi không muốn điều đó xảy ra nên ăn cùng với chúng”.
Sau 15 ngày, tất cả đều gặp phải những vấn đề trầm trọng. Mỗi khi lê được chừng mười bước chân, những đứa trẻ lại ngã lăn ra đất và ngất lịm đi. Những con ve hút máu đậu kín thân thể chúng.
Những côn trùng khác chọc những chiếc vòi vào da thịt của lũ trẻ để đẻ trứng và ấu trùng. Thân thể tất cả dày đặc các nốt đỏ sưng tấy. Trong rừng Amazon, côn trùng mới chính là những sinh vật hung dữ trong số các loài động vật hoang dã.
Đó là một nỗi thống khổ kéo dài tưởng chừng như vô tận, bà mẹ và những đứa trẻ liên tục bị ngất đi. Họ mất đi ý niệm về thời gian, ngày tháng. Quần áo của họ lúc nào cũng ngấm nước mưa ướt sũng và lạnh ngắt, nhưng họ không dám cởi ra bởi đấy là phương tiện duy nhất để chống lại lũ côn trùng đang tấn công.
Cuối cùng bốn mẹ con cũng tìm được một vạt đất trống ven một con sông để nương náu. Dòng sông đục ngầu cuốn theo rất nhiều bùn đất bị sạt lở bởi những trận mưa dữ dội. Không ai còn sức lực để kêu gào cứu giúp. María hoàn toàn tuyệt vọng, cô chỉ chờ vào “một phép mầu nào đó của Thượng Đế”.
Những đứa trẻ nghĩ đến việc đóng một chiếc bè, nhưng chút sức lực ít ỏi còn lại chỉ cho phép chúng dùng răng tước những chiếc lá cọ để đan thành những tấm chăn để đắp. Hy vọng thoát khỏi khu rừng hung dữ này ngày một lụi dần.
María nhớ lại: “Nhìn những đứa trẻ ngày một héo hon, gầy xơ xác, tôi đau đớn nghĩ đến chuyện mẹ con chúng tôi sẽ phải bỏ xác bên bờ con sông này”.
Thương tích trên cơ thể những đứa trẻ.
Rồi một ngày, vào lúc tảng sáng, lũ trẻ bỗng nghe thấy những tiếng động lớn dần. Lúc đầu chúng ngỡ là ảo giác nhưng sau đó chúng nghĩ rằng đó tiếng động cơ của một chiếc máy bay trực thăng cứu nạn đang lùng sục để tìm kiếm chúng.
Đó là mờ sáng 24/1/2020. Dồn hết sức lực còn sót lại, bà mẹ trẻ và 3 đứa con cố gắng hò hét để những người cứu nạn tìm ra họ.
Một ngọn đèn pha chiếu thẳng vào họ. Đó là một chiếc ca nô nhỏ, trên đó là một người đàn ông và 4 đứa trẻ, họ tổ chức một chuyến đi câu ở vùng gần đó và tình cờ đi ngang qua nơi này. Đó là chiếc ca nô đầu tiên đi ngang qua khúc sông này kể từ khi María và các con cô đến trú ngụ ở vạt đất ven sông.
Với María, người đàn ông này chính là người được Thượng Đế cử đến để hoàn thành phép mầu cứu để sống mẹ con cô.
Người đàn ông đón 4 mẹ con lên ca nô và chạy tiếp 4 giờ đồng hồ nữa để ra khỏi khu rừng, những người khách được dọn cho ăn bánh mỳ và nước ngọt, nhưng tất cả đều nôn mửa sau khi ăn bởi cơ thể họ chưa thể hấp thụ được sau một tháng nhịn đói.
Kết thúc chặng đường, người đàn ông tốt bụng bỏ tiền ra thuê một chiếc ca nô khác đưa họ đến một ngôi làng, nơi họ sẽ được chăm sóc với những điều kiện tốt hơn.
María Oliva và các con cô lại tiếp tục một cuộc hành trình bằng ca nô hơn 4 giờ nữa để đến được ngôi làng La Esperanza ở Perou, dân làng, những người da đỏ ở đó ân cần đón tiếp và chăm sóc họ. Những đứa trẻ quá yếu để có thể tự đi được, chúng được bế từ ca nô để đưa vào trong nhà.
Những thông báo truyền đi trên mạng xã hội
“Các bạn, tại La Esperanza hiện nay có một gia đình, họ nói bị lạc trong rừng hơn một tháng và được một người đi câu cứu sống. Họ rất gày gò và yếu ớt.
Họ nói rằng họ đến từ Leguízamo. Cần liên lạc ngay với người thân của họ nếu các bạn có chút manh mối nào” - Một thông điệp audio được gửi đi từ ngôi làng thông qua nền tảng WhatsApp, đi kèm theo những bức ảnh về tình trạng cơ thể suy sụp của mẹ con María.
Tin tức về mẹ con María Oliva được lan truyền nhanh chóng trên vùng biên giới giữa Peru và Colombia, phần biên giới gắn với địa phận tỉnh Putumayo. Thông điệp và những bức ảnh trên cũng được lan tỏa trên Facebook, và cuối cùng cũng đến được với người chồng, người cha đang tuyệt vọng.
Ngày 24/1/2020, Andrés hồi đáp ngay rằng đó chính là gia đình của mình và anh rất hạnh phúc khi thấy họ còn sống. “Tình trạng của họ rất nguy kịch, họ chỉ còn da bọc xương. Cần phải đến đưa đi cấp cứu ngay, bằng trực thăng hay một phương tiện nào khác”, người phát thông báo từ làng La Esperanza thúc giục trong tin nhắn đáp lại.
Quân đội tham gia giải cứu
Ngày 26/1, Hải quân Colombia triển khai một đơn vị trên một chiếc tầu cao tốc xuất phát từ một ngôi làng ven sông của tỉnh Putumayo đi 180km để tới được La Esperanza đón María Oliva và các con cô và sau đó đưa họ quay trở về Colombia.
Theo những đánh giá sơ bộ của phòng khám María Angelines ở Puerto Leguízamo: “Các bệnh nhân bị suy dinh dưỡng trầm trọng, viêm cơ, mất nước, thương tổn ở chân”. Nhưng nghiêm trọng nhất là hiện tượng nhiễm trùng da do vết đốt của nhiều loại côn trùng trong suốt một thời gian dài.
Các bệnh nhân lúc đầu được điều trị lại Bệnh viện Putumayo sau đó phải chuyển sang Bệnh viện Pabón ở Pasto (Đông Nam Colombia) để có được điều kiện chữa trị tốt hơn.
Đối với María Oliva và những người thân của cô, việc cô và các con được cứu sống đúng là một phép mầu kỳ diệu bởi vì những ngày cuối trong rừng Amazon cô gần như tin chắc rằng mình không còn cơ hội nào để sống sót: “Tôi sẽ không bao giờ quay trở lại cái trang trại đó, tôi không thể để cuộc sống của các con tôi một lần nữa gặp phải những mối nguy hiểm”.