Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Một ngày thong dong trên đảo Cù Lao Chàm

(VTC News) -

Những ngày tháng 10 cuối thu se se lạnh cũng chính là lúc cây cối trổ ngọn, bung hoa đẹp nhất trên hòn đảo xinh đẹp này.

Giếng nước ngọt giữa biển mặn

Thuyền bè neo đậu ngoài khơi đảo Cù Lao Chàm.

Mất khoảng 20 phút đi xuồng máy từ đất liền, chúng tôi cập bờ của đảo Cù Lao Chàm, khi vừa bước chân lên đảo là đã cảm nhận được ngay không khí tươi mát, đó là mùi của thiên nhiên trong lành, không chút khói bụi, ô nhiễm.

Giếng cổ Chăm Pa tương truyền được đào cách đây khoảng 200 năm và chưa bao giờ nhiễm mặn.

Chúng tôi đã được nghe kể qua về các dấu tích văn hóa Sa Huỳnh còn lưu lại trên đảo, nhất là giếng cổ Chăm Pa. Du khách thay nhau lấy gầu múc nước từ giếng lên, tôi thử uống thấy ngọt và mát lạnh, không hề nhiễm chút mặn, phèn.

Dân đảo nói rằng, giếng có chừng 200 năm, sâu cả chục mét, gạch được xếp hình múi cam đè lên nhau và trải qua bao nhiêu năm chưa một lần nhiễm mặn. Chiếc giếng cổ này còn gắn liền với niềm tin rằng nếu ai muốn sinh con theo ý muốn thì hai vợ chồng cùng uống nước giếng (chồng 7 ngụm, vợ 9 ngụm) và cầu nguyện thì sẽ được theo ý muốn.

Câu chuyện về uống nước giếng có thể sinh con theo ý muốn được người dân truyền tai nhau rất nhiều.

Người Chăm giỏi ở chỗ, ngay cả giữa biển khơi họ cũng biết cách tìm ra mạch nước ngầm để sinh tồn, duy trì nguồn nước đó như nguồn sữa mẹ nuôi dưỡng cư dân trên đảo.

Sau khi tham quan khu giếng cổ, chúng tôi quyết định thuê một chiếc xe máy đi khám phá bãi biển Cù Lao Chàm. Nước ở đây rất sạch, cát trắng, nước trong vắt và chẳng hề có rác cho dù dịch vụ du lịch đã xuất hiện trên đảo từ khá lâu.

Hệ động thực vật phong phú

Cù Lao Chàm là khu dự trữ sinh quyển của thế giới nên nếu đến đây bạn đừng quên thăm bảo tàng sinh vật biển để ngắm nhìn những con cá lạc, cá mú, cá chình điện, tôm hùm mốc… trông rất lạ và có phần dữ dằn nhưng lại rất quen thuộc với cư dân trên đảo vì chúng sinh sôi gần bờ khá nhiều.

Cá chình điện trông vẻ bề ngoài khá dữ tợn và có cả răng rất sắc nhọn.

Trên đảo Cù Lao Chàm còn có bốn loại cây đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản Việt Nam. Đó là ba cây ngô đồng đỏ tại dốc suối Tình, thôn Bãi Làng, cây đa ở sườn Đông của Hòn Lao, cây Kén, cây Nánh ở miếu tổ nghề yến, thôn Bãi Hương.

Trong đó, cây đa ở sườn Đông, Hòn Lao có tuổi đời lên tới 600 năm. Cây có một thân chính và sáu thân phụ bao quanh, vừa là trụ đỡ thân cây vừa tạo cho tán cây có vẻ đẹp cổ kính, đẹp mắt. Ba cây ngô đồng đỏ có hoa màu đỏ rất đẹp và có tuổi từ 150 đến 250, còn cây Kén và cây Nánh có tuổi chừng 200 năm cho hoa màu tím như bằng lăng.

Cây đề cao lớn che phủ cả khoảng sân rộng trong chùa Hải Tạng.

Ngoài ra, đi ngắm san hô ở hòn Dài là điều khiến chúng tôi thích thú vô cùng. Những rạn san hô đủ cả trăm màu lấp lánh dưới nắng hiện lên như thiên đường. Tôi nhớ mấy lần đầu chỉ ụp chiếc mặt nạ xuống nước, uống cả ngụm nước mặn chát, rồi chưa quen phao bơi mà ngụp lên ngụp xuống, chú thợ lặn phải chừng 60 tuổi, da ngăm đen, khỏe như vâm ra kéo tôi lên tàu rồi cười “khà khà”, ngồi một lúc sau mới tỉnh người và tiếp tục xuống nước ngắm san hô.

Đeo mặt nạ và ngắm rạn san hô rực rỡ là một khám phá thú vị.

 

Điểm tựa tâm linh

Cù Lao Chàm có cư dân sinh sống từ rất sớm, đặc biệt vào khoảng thế kỷ 18, khi thương cảng Hội An phát triển. Các nhà buôn từ Nhật Bản chọn Cù Lao Chàm làm nơi neo đậu ngoài khơi vì vậy mà nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo hình thành.

Chùa Hải Tạng nằm tựa vào lưng núi, hướng ra một cánh đồng lúa nhỏ.

Chùa Hải Tạng chính là hiện trưng rõ nét nhất. Chùa được xây dựng năm 1758 tựa vào lưng núi hướng ra một cánh đồng lúa nhỏ, bao quanh chùa là hàng rào đá được xếp khít với nhau, do tương truyền nơi này trước nhiều rắn rết nên làm hàng rào để bảo vệ.

Trước cổng chùa có một cây đề lớn phủ bóng rợp cả khoảng sân rộng. Đối với người dân trên đảo Cù Lao Chàm, chùa Hải Tạng có ý nghĩa tâm linh quan trọng, hầu hết mọi chuyện tâm linh họ đều đến làm lễ tại chùa, cầu bình an và sức khỏe.

Một cư dân trên đảo cho biết: “Chùa không có nhà sư trụ trì, chỉ có người dân tự trông coi, tượng Phật tuy không được bài trí cầu kỳ nhưng lại có cả tượng thánh thể hiện triết lý tam giáo đồng nguyên trong chùa”…

Một ngày là đủ để bạn đi hết quanh hòn đảo xinh đẹp này nhưng một lần chưa bao giờ là đủ để khám phá hết vẻ đẹp thiên nhiên, con người nơi đây. Vậy nên, tôi cũng như bạn sẽ quay lại Cù Lao Chàm vào một ngày gần nhất nhé!

TRẦN THỊ THÚY VÂN (Hà Nội)

Tin mới