Ông Alexey Polishchuk - Vụ trưởng Vụ Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) thuộc Bộ Ngoại giao Nga nói rằng Nga đánh giá cao nỗ lực của các nước thứ ba trong việc tìm kiếm giải pháp chính trị và ngoại giao cho cuộc xung đột Ukraine.
"Tuy nhiên, Kiev bác mọi ý tưởng hòa giải. Họ mù quáng dựa vào logic của tối hậu thư liên quan đến Nga, được nêu trong công thức hòa bình của ông Zelensky", ông Polishchuk nói.
Nga bắt đầu bố trí vũ khí hạt nhân trên đất Belarus. (Ảnh: Sputnik)
Quan chức Ngoại giao Nga nhấn mạnh, Moskva sẽ tiếp tục đối thoại về triển vọng giải quyết hòa bình xung đột Ukraine với các đối tác Trung Quốc, Brazil, châu Phi - các bên nêu "đề xuất mang tính xây dựng và thực chất" cho xung đột Ukraine.
Bên cạnh đó, ông Alexey Polishchuk cũng cho hay, giả thuyết rút vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga khỏi Belarus chỉ có thể xảy ra nếu Mỹ và NATO từ bỏ chính sách phá hoại an ninh của Nga và Belarus.
"Việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus là phản ứng đối với chính sách hạt nhân gây bất ổn trong nhiều năm của NATO và Washington, cũng như những thay đổi cơ bản gần đây đã diễn ra đối với an ninh châu Âu", ông Polishchuk cho hay.
Ông Polishchuk nhấn mạnh, việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus là biện pháp ngăn chặn bắt buộc nhằm đảm bảo an ninh cho Belarus - quốc gia có không gian phòng thủ chung với Nga.
Hồi tháng 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moskva đã chuyển giao đầu đạn hạt nhân đầu tiên cho Belarus và sẽ hoàn thành nhiệm vụ chuyển vũ khí hạt nhân chiến thuật vào cuối năm nay. Ông Putin nói việc triển khai này có ý nghĩa trong việc răn đe, đồng thời cũng là tín hiệu cảnh báo các quốc gia mong muốn gây sức ép, muốn huỷ hoại nước Nga.