Ngày 25/11, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng có văn bản chỉ đạo yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và kỹ thuật sân bay ADPi (Pháp) hoàn thiện các phương án điều chỉnh quy hoạch sân bay Nội Bài.
Theo kế hoạch phát triển, Chính phủ yêu cầu quy mô công suất sân bay Nội Bài đạt 100 triệu hành khách/năm để đáp ứng nhu cầu vận tải đến 2030, định hướng 2050. Đồng thời, quy hoạch phải phù hợp với không gian phát triển vùng Thủ đô, hạn chế thấp nhất diện tích đất bồi thường, khả năng phân kỳ đầu tư phù hợp với từng giai đoạn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ đạo tới các bộ ngành, địa phương sớm hoàn thiện phương án điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Theo đề án quy hoạch đến năm 2030 - định hướng 2050, quy mô công suất sân bay Nội Bài sẽ đạt 100 triệu hành khách/năm.
Trong văn bản chỉ đạo, Phó thủ tướng yêu cầu nghiên cứu quy mô công suất đảm bảo phục vụ 100 triệu hành khách/năm, phù hợp với không gian phát triển vùng Thủ đô, hạn chế ảnh hưởng đến các quy hoạch có liên quan.
Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia hàng không cho rằng, phương án mở rộng sân bay Nội Bài về phía Nam sẽ mang lại thuận lợi cho việc vận hành nhưng công tác giải phóng mặt bằng sẽ vấp phải nhiều thách thức lớn.
Trả lời VTC News sáng 29/11, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống đặt câu hỏi về việc có cần mở rộng diện tích sân bay Nội Bài hay không? Theo ông, hiện nay Nội Bài đang khai thác hai đường băng khá ổn. “Nội Bài đã thực sự khai thác tối đa được công suất của hai đường băng này hay chưa? Điều nay theo tôi vẫn chưa có một đánh giá nào cụ thể và tin cậy”, ông Tống cho biết.
Cũng theo chuyên gia hàng không, việc xây dựng các đường băng mới ở sân bay Nội Bài cần được cân nhắc và cần xây dựng một báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cụ thể, kỹ càng. “Cần có những so sánh về hiệu quả của hai phương án khai thác tối đa hai đường băng hay xây dựng đường băng thứ 3”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.
Chuyên gia này đánh giá sân bay Nội Bài là “bộ mặt” của Thủ đô Hà Nội và là một trong hai sân bay cần được tập trung đầu tư nhất hiện nay. Theo ông, Nội Bài hay Tân Sơn Nhất đều xứng đáng được đầu tư về quy mô, tầm cỡ bởi đây là hai sân bay của các trung tâm thành phố lớn nhất Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, thách thức trước mắt đối với việc mở rộng sân bay này chính là việc giải phóng mặt bằng.
Điều này được ông Tống lý giải do địa thế gần núi, khó xây dựng phương thức khai thác. Chuyên gia cũng nhấn mạnh đến khó khăn trong việc kết nối hai khu bay vì sẽ có đường lăn cắt qua đường băng. “Phía Bắc sân bay Nội Bài là đất quốc phòng nên việc giải tỏa sẽ phát sinh nhiều thủ tục", ông Tống nhấn mạnh.
Trong khi đó, một đại diện Bộ GTVT cho VTC News biết, quy hoạch mở rộng sân bay Nội Bài theo hướng Nam hay Bắc, cấu hình nhà ga, đường cất hạ cánh đang được Bộ GTVT và các đơn vị tư vấn tập trung nghiên cứu nhưng chưa đi đến thống nhất.
Bộ thực hiện theo chủ trương “quy hoạch phải hạn chế thấp nhất diện tích đất phải bồi thường, đặc biệt là đất ở, bảo đảm thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư thấp nhất", đúng tinh thần chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Cũng theo đại diện Bộ GTVT, tư vấn ADPi của Pháp bắt đầu nghiên cứu quy hoạch sân bay Nội Bài từ giữa tháng 6 và dự kiến đến quý 3 năm 2020 sẽ hoàn thành phương án chi tiết mở rộng sân bay Nội Bài.
Tư vấn bước đầu đề xuất được 7 phương án quy hoạch sân bay, trong đó hầu hết phương án đều đề xuất phá dỡ nhà ga T1, giữ nguyên nhà ga T2 và xây mới 2 nhà ga hành khách ở bên kia đường Võ Nguyên Giáp.