(VTC News) - Một số mẹo vặt cơ bản để có những bức hình chụp bằng điện thoại đẹp nhất.
Trên thực tế, điện thoại có khả năng chụp hình (camera phone) là một trong những thiết bị có tốc độ phát triển nhanh nhất trong thị trường máy ảnh số toàn cầu. Và với sự cải tiến không ngừng về chất lượng về camera trong điện thoại như số “chấm” nhiều hơn, ống kính tốt hơn, dung lượng lưu trữ ngày càng cao … không ít người tin rằng chúng đang bắt đầu chiếm lấy thị phần với các dòng máy ảnh bình dân.
Tuy nhiên, những bức hình được chụp từ camera của điện thoại thường đi kèm với chất lượng kém. Đây có thể là kết quả từ chất lượng của camera tích hợp nhưng nó cũng có thể là từ kỹ năng chụp ảnh tồi của người sử dụng.
Vì thế, bài viết này sẽ chỉ ra những thủ thuật cơ bản để giúp người dùng có thể thu được những tấm hình đẹp nhất từ chiếc điện thoại của họ.
1. Chiếu sáng chủ thể tốt
Chủ thể được chiếu sáng tốt thì tấm hình chụp càng rõ ràng hơn. Nếu có thể hãy chụp hình ngoài trời hay bật điện lên nếu bạn chụp trong nhà. Nếu bạn bật điện trong phòng để tăng cường độ sáng thì bạn cần chú ý rằng ánh sáng nhân tạo có thể ảnh hưởng đến màu sắc của tấm hình và trong trường hợp này bạn có thể thử nghiệm chức năng cân bằng trắng để khắc phục.
Một số camera phone còn tích hợp đèn flash Led hoặc Xenon. Nó có thể giúp tăng độ nét cho tấm hình thậm chí là với điều kiện ngoài trời. Nếu máy bạn không có đèn thì bạn hãy tránh chụp ngược sáng vì khi đó sẽ bị che mất đối tượng chụp.
2. Tiến gần hơn với chủ thể
Một trong những lỗi phổ biến với các tấm hình chụp từ điện thoại đấy là chủ thể quá nhỏ để nhận ra vì đứng ở khoảng cách xa. Ảnh chụp từ camera thường có độ phân giải thấp (mặc dù hiện nay đang cải thiện – đã lên đến mức 12MP) vì vậy hãy lấp đầy màn hình với đối tượng cần chụp để hạn chế việc zoom khi chỉnh sửa sau này.
Tuy nhiên, nếu đứng gần với chủ thể quá sẽ gây phản tác dụng với một số loại camera phone. Vì khi đósẽ tạo ra sự bóp méo hình ảnh và gây ra một số vấn đề về việc lấy nét (focus), đặc biệt với những loại điện thoại không có chế độ chụp cận cảnh (macro) hay lấy nét gần (close focus).
3. Giữ vững máy khi chụp
Một điều tất yếu trong kỹ thuật nhiếp ảnh: camera càng được giữ vững thì hình ảnh thu được càng rõ ràng.
Kỹ năng này đặc biệt quan trọng trong điều kiện thiếu sáng khi mà camera sẽ lựa chọn tốc độ chụp nhanh hơn để bù lại độ thiếu sáng. Một thủ thuật nhỏ là hãy đặt camera tựa vào một vật chắc chắn như cành cây, bức tường khi chụp hình.
Hãy nhớ rằng nhiều điện thoại xảy ra hiện tượng về độ trễ khi chụp (thời gian từ khi bấm nút chụp cho đến khi máy chụp có thể từ 2 giây trở lên). Điều này chứng tỏ rằng bạn phải giữ máy lâu hơn một chút để đảm bảo rằng máy không chụp sai.
4. Chỉnh sửa lại ảnh sau khi chụp
Tuy rằng bạn có thể sử dụng các chức năng chỉnh sửa ảnh hay thêm hiệu ứng tích hợp trong điện thoại nhưng việc chỉnh sửa hình chụp ở máy tính đem lại hiệu quả cao hơn rất nhiều.
Hãy chụp ảnh chế độ màu ở độ phân giải cao để dễ dàng sửa lại sau này. Vì bạn có thể chuyển sang chế độ đen trắng trên máy tính trong khi không thể làm cho bức ảnh "có màu" khi bạn chụp với chế độ đen trắng từ điện thoại.
5. Không xóa những tấm ảnh lỗi
Chất lượng màn hình điện thoại thường không tốt được như ở máy tính. Vì thế hãy giữ lại những tấm hình đã chụp cho đến khi bạn cho chúng vào máy tính. Bạn có thể nhận ra rằng chúng trở nên sống động hơn với một màn hình chất lượng. Bạn có thể tự nhủ thậm chí những bức hình lỗi hay bị mờ vẫn có thể còn giá trị sử dụng trong một vài trường hợp.
6. Tránh sử dụng chức năng zoom kỹ thuật số
Người sử dụng thường có xu hướng sử dụng chức năng zoom vào chủ thể tấm hình khi chụp nếu điện thoại của họ có chức năng này. Tuy nhiên, nếu đó là zoom số (digital zoom), nó chỉ làm giảm chất lượng ảnh chụp đi mà không hề có tác dụng nào cả. Bạn hoàn toàn có thể sửa ảnh bằng phần mềm chuyên dụng trên máy tính sau này. Dĩ nhiên, camera phone hiện nay đã được nâng cấp lên zoom quang (optical zoom) ở một số model hiện đại.
Đình Long