Vụ người mẹ trẻ giết con và cháu vừa xảy tại một khu đô thị ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội khiến dư luận rúng động. Theo nhận định ban đầu, người mẹ giết con và cháu bị trầm cảm trong khoảng thời gian dài và có ý định tự sát từ trước đó.
Vậy trầm cảm là gì, căn bệnh này nguy hiểm thế nào, nguyên nhân nào gây ra trầm cảm?
Xe cứu thương đỗ trước cửa tầng hầm khu chung cư HH02 để di chuyển thi thể các nạn nhân vụ án thương tâm.
Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm trạng, gây ra một cảm giác buồn và mất hứng thú kéo dài dai dẳng. Chứng trầm cảm sẽ ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận, suy nghĩ, hành xử và có thể dẫn đến những vấn đề đa dạng về tinh thần và thể chất.
Nếu nỗi buồn kéo dài trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần, nó có thể khiến bạn khó làm việc hoặc vui vẻ với gia đình, bạn bè, thậm chí trong những trường hợp nghiêm trọng, chứng trầm cảm có thể dẫn bạn đến ý định tự tử. Trong các dạng trầm cảm, trầm cảm sau sinh là tình trạng rất phổ biến.
Theo bác sĩ Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc Viện Tâm Thần Trung ương 1, trầm cảm hiện nay là một vấn đề thời sự, số bệnh nhân trầm cảm ngày càng gia tăng theo sự phát triển của xã hội, bởi xã hội càng phát triển thì càng có nhiều stress như áp lực về công việc, học hành, kinh tế, ô nhiễm môi trường, ma túy đá và các tệ nạn xã hội.
Trầm cảm nặng đặc trưng bởi trạng thái buồn rầu, đau khổ, cảm thấy tương lai ảm đạm, lời nói chậm chạp, liên tưởng khó khăn, giảm sút lòng tin, tự cho mình là hèn kém, mất dần các thích thú trong cuộc sống và có thể xuất hiện các triệu chứng loạn thần như hoang tưởng, ảo giác.
Trầm cảm nặng thường kèm theo rối loạn các chức năng sinh học như: Mất ngủ, mệt mỏi, chán ăn, khi bệnh nặng có thể từ chối ăn và bệnh nhân sẽ chết trong tình trạng suy kiệt do rối loạn nước và điện giải. Khoảng 45 - 70% người tự sát mắc bệnh trầm cảm và 15% bệnh nhân trầm cảm chết do tự sát. Người bệnh hầu như không làm được gì khi bệnh đã nặng.
Video: Thảm án, mẹ trầm cảm giết 5 con rúng động nước Mỹ
Trầm cảm có xu hướng gia tăng, xã hội càng phát triển thì càng có nhiều áp lực trong cuộc sống, càng có nhiều stress, do vậy số người mắc trầm cảm ngày càng nhiều. Có tới 20% dân số mắc trầm cảm, trong đó, rối loạn trầm cảm điển hình chiếm 5% dân số. Bệnh thường gặp ở tuổi từ 18 - 44, phụ nữ thường bị rối loạn trầm cảm cao gấp 3 lần nam.
Ở những phụ nữ từng mắc bệnh trầm cảm sau sinh, nguy cơ tái phát ở lần sinh tiếp theo là 50%. Người có tiền sử trầm cảm ngoài thai kỳ, nguy cơ trầm cảm sau sinh là 25%. Nếu trong thời kỳ mang thai mắc trầm cảm mà ngưng thuốc sớm thì 68% tái phát trầm cảm sau sinh; nếu tiếp tục dùng thuốc thì 25% tái phát trầm cảm sau sinh; 41,2% người bệnh trầm cảm sau sinh có ý nghĩ hay hành vi tự sát.