Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Mẹ đẻ' công nghệ mRNA sẽ dùng tiền thưởng VinFuture giúp đỡ trẻ em ở Hungary

(VTC News) -

Tiến sĩ Katalin Kariko (67 tuổi) là một trong ba nhà khoa học nhận giải thưởng chính VinFuture với giá trị 3 triệu USD.

"Giây phút được xướng tên quả thực quá bất ngờ và ngoài sự mong đợi của tôi. Ban đầu tôi sang Việt Nam tham dự tuần lễ khoa học theo lời mời của hội đồng giải thưởng VinFuture, chứ không nghĩ rằng phát kiến nghiên cứu của mình sẽ giành giải thưởng cao nhất. Tôi hạnh phúc không nói lên lời. Tôi phải mất vài phút trấn tĩnh lại cảm xúc", bà chia sẻ sau lễ trao giải khoa học công nghệ toàn cầu VinFuture tối 20/1. 

Tiến sĩ Katalin Kariko chia sẻ khi nhận giải thưởng chính của VinFuture.

Đây là giải thưởng thứ 72 mà bà nhận được trong năm nay. Dự kiến tới đây bà còn nhận thêm 35 hạng mục giải thưởng khác nữa. Đạt được thành tích ngưỡng mộ nhưng với bà quan trọng hơn là những thành tựu nghiên cứu của mình mang lại lợi ích chung cho nhiều người.

"Thật vui vì những khám phá của chúng tôi đã đặt nền móng cho các loại vaccine mRNA. Cũng cần lưu ý rằng, các loại vaccine này đã được phát triển dựa trên thành quả khoa học và kỹ thuật của cả thế kỷ cùng những khám phá của hàng trăm nghìn nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư và các chuyên gia để tạo nên tính hiệu quả và độ an toàn.

Chúng tôi hy vọng, cuộc phiêu lưu khoa học của mình sẽ truyền cảm hứng cho thế hệ các nhà nghiên cứu tiếp theo, để những đóng góp của họ sẽ nâng cao các kiến thức khoa học của nhân loại, chăm sóc và cải thiện cuộc sống của con người”, nữ chủ nhân giải thưởng chính VinFuture năm đầu tiên nói.

Với số tiền nhận được từ VinFuture, bà Katalin Kariko sẽ dùng để giúp đỡ trẻ em ở Hungary và tiếp tục triển khai các công việc nghiên cứu của bản thân trong thời gian tới. Bà cũng rất sẵn lòng hợp tác, cùng làm việc và chia sẻ kinh nghiệm với các nhà khoa học trẻ Việt Nam.

Cả đời theo đuổi công nghệ mRNA

Bà Katalin Kariko (SN 1955) trong một gia đình làm nghề bán thịt ở Kisújszállás, một thị trấn cách Budapest (Hungary) 150 km về phía đông. Ngay từ nhỏ, Kariko đã mơ ước trở thành nhà khoa học dù chưa từng gặp nhà khoa học nào.

Bà yêu toán học và khoa học khi còn rất trẻ, trong quãng thời gian học tại các trường địa phương như trung học Moricz Zsigmond. Bà theo học chuyên ngành hóa sinh và hoàn thành khóa học tương đương trình độ thạc sĩ vào năm 1978. Sau khi tốt nghiệp trung học, Karikó đăng ký vào Đại học Szeged.

Nhưng con đường học hành của bà không hề dễ dàng. “Ban đầu sang Mỹ học năm 18 tuổi, tôi không biết một chữ tiếng Anh nào. Cô giáo giảng trên lớp và tôi chỉ nhận ra bài học kết thúc khi cô nói ‘the end’ giống như ở cuối bộ phim. Thế là trong khi bạn bè nhàn hạ thì tôi phải cố gắng đuổi theo, học và nỗ lực không ngừng”, bà nhớ lại.

Tiến sĩ Katalin Kariko.

Đến năm 1989, bà Kariko bắt đầu làm việc tại Đại học Pennsylvania (Mỹ). Tuy nhiên, trong nhiều năm liền, sự nghiệp của bà ở Đại học Pennsylvania rất bấp bênh. Bà chuyển từ phòng thí nghiệm này tới phòng thí nghiệm khác và chưa bao giờ được trả hơn 60.000 USD/năm. Dù nhận được mức lương "bèo" không đủ trang trải cuộc sống nhưng bà vẫn quyết tâm nghiên cứu.

Nữ sinh gốc Hungary khi ấy tập trung nghiên cứu về ứng dụng trị bệnh của mRNA được phiên mã trong ống nghiệm. Thời điểm cuối thập niên 80 đầu 90 của thế kỷ trước lĩnh vực mRNA đang ở thời kỳ sơ khai. Ngay cả những nhiệm vụ cơ bản nhất cũng khó khăn nếu không nói là bất khả thi.

Tại trường này, tình cờ nhà khoa học Hungary gặp được ông Drew Weissman, người đang có những kế hoạch đầy tham vọng trong việc tìm kiếm vaccine cho bệnh nhân AIDS. Khi bà chia sẻ về nghiên cứu mRNA, Weissman đã nhận ra những tiềm năng độc đáo của công nghệ này. Từ đây, họ có thời gian dài cộng tác cùng nhau.

Năm 2005, họ đưa ra nghiên cứu mang tính đột phá với việc sửa đổi một trong các nucleoside của mRNA. Sau khi sửa đổi, mRNA có thể đi vào tế bào và hoạt động đúng chức năng mà không gây ra các phản ứng của hệ thống miễn dịch. Hai nhà khoa học tin rằng công nghệ của họ có tiềm năng mở ra cánh cửa cho vô số vaccine, protein điều trị và liệu pháp gen mới.

Đến tháng 7/2010, hai công ty công nghệ chú ý tới công trình của họ là Moderna ở Mỹ và BioNTech ở Đức. Pfizer hợp tác với BioNTech và hai công ty đang hỗ trợ kinh phí cho phòng thí nghiệm của tiến sĩ Weissman. Không lâu sau đó, những thử nghiệm lâm sàng với vaccine cúm mRNA được thực hiện, đồng thời vaccine chống virus cytomegalovirus và Zika cũng đang trong quá trình phát triển. Khi đó, nCoV xuất hiện.

Công nghệ của bà thành công hơn nữa khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới. Hai công ty BioNTech và Moderna thiết kế vaccine ngừa COVID-19 trong thời gian rất ngắn nhờ vào công nghệ gốc là đưa mRNA vào cơ thể để chỉ thị tế bào người sản sinh protein hình gai của nCoV. Hệ miễn dịch sẽ phát hiện protein đó, xem nó là vật thể lạ và biết cách tấn công nCoV nếu nó xuất hiện trở lại trong cơ thể.

Muốn giúp đỡ nhiều người

Với nhiều nhà khoa học, phát hiện mới thường đi kèm kế hoạch kiếm tiền, thành lập công ty và xin cấp bằng sáng chế. Nhưng điều đó không đúng với Kariko. Điều bà hướng tới là thay đổi cuộc sống ngày một tốt hơn thay vì bản thân giàu hơn nhưng không giúp được được nhiều người.

"Tôi không thấy mình là người hùng. Tôi luôn nghĩ về tất cả những ai đã làm việc vì điều này, cả những người không còn nữa, người từ hàng thập kỷ trước đã góp phần vào sự tiến bộ của khoa học. Đây là việc tôi và đồng nghiệp, cùng nhiều người khác, tất cả chúng tôi đã làm và giờ tôi ở đây đại diện cho họ”, bà nói.

Bà Kariko nói, làm khoa học cũng như đi con đường dài mãi không thấy điểm kết, phải trải qua nhiều lần thất bại trước khi nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm”. Vì vậy tinh thần lạc quan và sự nỗ lực, chăm chỉ là rất quan trọng. 

Về khó khăn của phụ nữ làm nghiên cứu, bà thẳng thắn: "Là nhà khoa học, lại là nữ giới, hành trình nghiên cứu sẽ đầy chông gai và thử thách. Hãy tìm người chồng thật tốt và yêu thương mình vô điều kiện. Người chồng đó phải hiểu rằng vợ của mình sẽ không nấu ăn vào ngày nghỉ mà còn phải đến phòng thí nghiệm để làm việc. Đó là hậu phương, nền tảng để phụ nữ theo đuổi đam mê nghiên cứu".

Đúc rút sau 33 năm nghiên cứu, nữ giáo sư khuyên những người phụ nữ làm khoa học đừng sợ hãi, hãy tin bản thân. Bà tự nhận xét bản thân không có kỹ năng đặc iệt, cũng không phải người thông minh, nhưng bà có quyết tâm, sự ủng hộ đông viên từ gia đình và đồng nghiệp. 

“Việc bạn bắt đầu từ đâu không phải là vấn đề, bạn vẫn có thể trở thành bất cứ ai. Bạn không cần phải là con của vị giáo sư nào. Bản thân tôi cũng không đặc biệt thông minh ở trường hay sở hữu kỹ năng giỏi giang đặc biệt gì. Nhưng bố mẹ rất ủng hộ tôi học hành và tôi có các giáo viên tốt. Tôi nghĩ nếu bạn đã đặt tâm trí vào đó thì bạn có thể làm được bất cứ thứ gì”, bà  nói.

Nhân duyên với Việt Nam 

Giáo sư Katalin Kariko chia sẻ, khi còn học ở Hungary bà quen rất nhiều sinh viên Việt Nam, bà cũng có người bạn thân ở Việt Nam nhiều năm chưa gặp, họ từng kể với bà về Việt Nam và nấu món ăn quê hương cho cả gia đình bà.

Nữ giáo sư cũng biết nhiều nhà khoa học nổi tiếng, vĩ đại là người Việt Nam. Bà nhận xét người Việt rất chăm chỉ và đây là đức tính mà người làm trong giới nghiên cứu cần có.

Hà Cường

Tin mới