Hoàng Dương cho rằng, đã là người của công chúng thì khó tránh được búa rìu dư luận, việc xuất hiện những bình luận trái chiều, đôi khi khiếm nhã cũng là bình thường.
Kìm nước mắt khi dẫn về dịch bệnh
- Trong lúc dịch COVID-19 khiến nhiều ngành nghề, công việc bị ảnh hưởng, các phóng viên, BTV thời sự đôi khi khó tránh việc tác nghiệp, tiếp xúc nơi đông người. Anh và các đồng nghiệp làm thế nào để tự bảo vệ mình?
Quả thật đây là giai đoạn rất khó khăn với những người làm thời sự. Chúng tôi phải làm việc luân phiên để vừa đảm bảo công việc sản xuất tin tức, thực hiện phóng sự, vừa tuân thủ các giải pháp phòng chống dịch của Chính phủ, giữ an toàn sức khỏe cho cả bản thân cũng như đồng nghiệp.
Lúc tác nghiệp, các phóng viên, BTV đều tự ý thức bảo vệ an toàn cho bản thân. Khi đến những khu vực có nguy cơ cao, đoàn sẽ làm việc với chính quyền địa phương, hỏi kỹ về các địa điểm có thể ghi hình được. Việc bất chấp hiểm nguy để thực hiện phóng sự không được khuyến khích, bởi chỉ một người mắc bệnh thì nguy cơ lây nhiễm cho hơn 3.000 con người tại Đài THVN là rất lớn. Hệ lụy khôn lường nên chúng tôi rất cẩn trọng.
BTV Hoàng Dương được khán giả yêu thích.
- Dịch bệnh khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, không chỉ là tiền bạc mà còn về mặt tinh thần. Anh có phải đối mặt với bất lợi nào trong thời điểm này?
Bất lợi đầu tiên là chuyện tác nghiệp. Việc phỏng vấn, làm phóng sự không còn thuận tiện như trước. Chúng tôi phải sáng tạo, vận dụng các phương tiện kết nối trực tuyến để đảm bảo tiến độ tin bài. Cái khó là việc duy trì tính sinh động và chất riêng của mỗi chương trình, tăng cường đồ họa tránh gây nhàm chán cho khán giả, dù chẳng ai muốn thế.
Tiếp đến, chúng tôi hiện đang bị giảm một phần lương theo từng vị trí. Bởi số lượng quảng cáo tại VTV đang sụt giảm mạnh do các doanh nghiệp đóng cửa hoặc làm ăn không thuận lợi. Dẫu vậy, khi còn được sáng tạo, cống hiến, tôi vẫn thấy mình may mắn hơn nhiều người.
- Rất chuyên nghiệp trên sóng thời sự nhưng có thể thấy khi đề cập đến dịch bệnh trên sóng thời sự, đã nhiều lần anh nghẹn ngào?
Tôi là mẫu người giàu tình cảm nên đôi lúc cũng phải kìm nén. Khi dẫn về dịch bệnh, đề cập đến các hoàn cảnh thương tâm trong xã hội, tôi thực sự đồng cảm. Nhiều lúc nước mắt trực tuôn trào nhưng tôi phải nhanh chóng lấy lại bình tĩnh vì không muốn khán giả thấy sự bi lụy hay buồn đau trên sóng truyền hình. Thời điểm này nên lan tỏa những xúc cảm tích cực để duy trì sức chiến đấu lâu dài.
Nói như vậy không có nghĩa là tôi né tránh những cảm xúc thật. Nhưng chúng ta đều hiểu rằng, trong một chương trình truyền hình trực tiếp cần có sự tiết chế. Người dẫn chương trình có thể xúc động nhưng không bi lụy, càng không nên sến sẩm hay cải lương trên sóng bằng những giọt nước mắt. Biết điểm dừng mới là chuyên nghiệp.
BTV Hoàng Dương là bạn dẫn ăn ý với MC Mai Ngọc.
Tai nạn nghề nghiệp ám ảnh
- Sống thiên về cảm xúc, đã khi nào anh rơi vào khủng hoảng chưa?
Khi đứng giữa ranh giới của đam mê, nhiệt huyết và thực tế khắc nghiệt trên con đường chinh phục công việc mơ ước ấy thì tôi nghĩ ai cũng có những lúc dao động. Trước đây, thời sinh viên, tôi cũng học về báo chí nhưng chưa đủ trải nghiệm để thấu hiểu sự vất vả của các phóng viên, biên tập viên tại VTV, nhất là người làm thời sự.
Người dẫn chương trình có thể xúc động nhưng không bi lụy, càng không nên sến sẩm hay cải lương trên sóng bằng những giọt nước mắt. Biết điểm dừng mới là chuyên nghiệp.
BTV Hoàng Dương
Quãng thời gian khắc nghiệt nhất với tôi là khi mới làm quen với chương trình Chào buổi sáng bông lúa, phát sóng lúc 5h30 hàng sáng. Khi đó, việc thức nguyên đêm tại Đài để làm kịch bản là chuyện bình thường. Nhưng tâm lý của người mới mà, tôi rất sợ. Chưa kể, khi nghe đến những huyền thoại làm đêm ở Đài, tôi càng căng thẳng. Nào là nhan sắc xuống cấp, sức khỏe bị ảnh hưởng, nếu tiếp diễn trong thời gian dài còn dễ sinh bệnh.
Thế mà rồi cũng quen. Có lẽ ai cũng sẽ bị cuốn đi theo guồng tin tức và sự thú vị mà công việc này mang lại. Tôi được trải nghiệm, được học hỏi mỗi ngày. Và khi có một sản phẩm tốt, được công chúng đón nhận, tôi cảm thấy như được chữa lành. Mọi khó khăn, mệt mỏi, sự hi sinh thời gian cho bản thân, gia đình đều tan biến.
Đến hiện tại, sau 6 năm công tác, tôi đã chứng minh được năng lực ở nhiều vai trò: phóng viên hiện trường, biên tập viên, tổ chức sản xuất hay đóng góp ý tưởng cho các chương trình lớn của Ban Thời sự. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những năm tháng tuổi trẻ đầy hoang mang.
- Có khi nào, cảm giác khủng hoảng đó xuất phát từ những bình luận khiếm nhã mà anh nhận được?
Thực ra, đã là người của công chúng thì khó tránh được búa rìu dư luận. Bên cạnh những phản hồi tích cực, việc xuất hiện những bình luận trái chiều, đôi khi khiếm nhã là điều rất bình thường thôi.
Khi lên sóng chương trình Chào buổi sáng bông lúa, tôi từng bị nói lái cụm “Đài báo” thành một từ rất thất lễ. Khán giả lập tức có phản hồi. Và tôi cũng nhận được lời nhắc nhở từ Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, những từ nhạy cảm cần hết sức chú ý, không nên để làm ảnh hưởng đến chất lượng và danh tiếng của chương trình. Đó là một “tai nạn” mà mãi đến sau này tôi vẫn ám ảnh. Nhất là khi lên sóng chương trình Việt Nam hôm nay, có những thông tin được cập nhật tức thời, MC không hề được tiếp xúc trước, tôi càng phải cẩn trọng.
Lại có những lần, khi nhắc đến các vấn đề bất cập tại một số địa phương, có những người dân không phục, nhắn tin hoặc bình luận trên trang cá nhân của tôi đầy bức xúc. Họ nói: “Hoàng Dương có giỏi thì về đây gặp nhau nói chuyện đàng hoàng”. Có cả những lời nói xúc phạm rất khiếm nhã. Nhưng không sao cả, tôi coi đó là gia vị cho công việc thêm phần thú vị hơn mà thôi. Bạn phải là người hiểu rõ chính mình, lắng nghe những nhận định khách quan từ đồng nghiệp và khán giả để trở thành một phiên bản tốt hơn.
- Tôi thấy anh rất tự hào về công việc của mình, dường như chưa khi nào anh lấn cấn vì mình đã chọn sai đường?
Đúng vậy! Khi trúng tuyển vào Ban Thời sự, tôi xác định đây là sự nghiệp mình cam kết cống hiến lâu dài chứ không phải một phép thử. Và càng làm, tôi càng đam mê. Mỗi lúc nhận được những lời khen từ đồng nghiệp và khán giả, định hướng từ những đàn anh, đàn chị đi trước, tôi lại thêm vững tin với nghề. Cho đến hiện tại, tôi thấy mình đã chọn được đúng nơi để cống hiến trọn vẹn thời thanh xuân và tuổi trung niên của mình. Đó là may mắn không phải ai cũng có được.
BTV Hoàng Dương muốn tập trung hơn vào vai trò phóng viên nông nghiệp.
- Dự định sắp tới của anh là gì vậy, có điều gì bất ngờ dành cho khán giả?
Ban Thời sự sắp có một chương trình mới mang tên Tiêu điểm kinh tế được phát sóng vào 21h30 thứ Bảy tuần cuối cùng của tháng trên VTV1. Tôi tham gia với vai trò sản xuất. Đây thực sự là thách thức rất lớn vì đòi hỏi sự sắc bén trong quan điểm, cũng như phải đào sâu phân tích nội dung chủ đề, cách thức tiếp cận nhân vật. Phải làm thế nào để có một cốt truyện sâu sắc, tìm ra những góc khuất từ chính bức xúc của người dân để đưa ra giải pháp cải thiện kịp thời. Cũng lâu rồi Ban Thời sự mới có một chương trình như vậy nên tôi rất háo hức chờ ngày phát sóng chính thức để xem phản ứng của khán giả.
Bên cạnh đó, tôi cũng muốn tập trung làm tốt vai trò phóng viên nông nghiệp. Tôi muốn đào sâu kiến thức ngành để trở thành một chuyên gia với những phóng sự sắc nét và tầm vóc.