Hôm 11/1, điều tra viên của Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia Indonesia (KNKT), Nurcahyo Utomo cho biết. "Chúng tôi không chắc chắn, song nhận thấy các mảnh vỡ nằm rải rác trong khu vực không quá rộng”.
Điều tra viên này cũng loại trừ giả thuyết cho rằng máy bay đã nổ tung giữa không trung. "Máy bay có thể đã bị vỡ nát khi chạm mặt biển, bởi nếu phát nổ giữa không trung, các mảnh vỡ sẽ phân tán rộng hơn", Nurcahyo Utomo nói.
Giới chức Indonesia trục vớt mảnh vỡ máy bay Boeing 737-500 gặp nạn. (Ảnh: Reuters)
Hôm 9/1, chiếc máy bay Boeing 737-500 chở theo 62 người, lao xuống biển khoảng 4 phút sau khi rời sân bay Soekarno-Hatta ở thủ đô Jakarta, Indonesia. Trong 62 người này, có 12 phi hành đoàn và 50 hành khách - trong đó có 10 trẻ em, tất cả đều là người Indonesia.
Các nhà chức trách Indonesia gấp rút tổ chức chiến dịch tìm kiếm cứu nạn, song không có hy vọng tìm thấy người sống sót. Indonesia đã xác định chính xác khu vực đặt các hộp đen máy bay sau khi trục vớt các phần thân máy bay Boeing 737-500 lên khỏi đáy biển. Lực lượng cứu hộ cũng đã tìm thấy các bộ phận cơ thể người và các vật dụng cá nhân của họ.
Một trong những thợ lặn cứu hộ cho biết, cuộc tìm kiếm sẽ tiếp tục khi điều kiện thời tiết được cải thiện. “Giờ đây, chúng tôi có thể thu hẹp khu vực tìm kiếm từ 200 đến 500 m. Ngày đầu tiên, chúng tôi đã lùng sục từ 1,5 km đến 1 km tính từ tọa độ chính của máy bay rơi”, kênh truyền hình Kompas dẫn lời thợ lặn cho hay.
Đây là vụ tai nạn hàng không lớn đầu tiên ở Indonesia kể từ khi 189 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng vào năm 2018. Thời điểm đó, chiếc Boeing 737 MAX của Lion Air cũng đã lao xuống biển Java ngay sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Soekarno-Hatta.
Chiếc máy bay Boeing 737-500 gặp nạn gần 27 tuổi. Máy bay Boeing 737-500 đang được các hãng hàng không loại bỏ dần để chuyển sang các mẫu tiết kiệm nhiên liệu hơn