Theo Bộ Quốc phòng Australia, ngày 26/5, máy bay RAAF P-8 của quân đội nước này đang thực hiện hoạt động do thám thường xuyên ở khu vực thì bị máy bay chiến đấu J-16 của Trung Quốc chặn. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles, máy bay Trung Quốc được cho là đã “bay rất gần bên cạnh” chiếc P-8, sau đó “tạt đầu” máy bay Australia và phóng ra “một đám mây có chứa các mảnh nhôm nhỏ”.
Máy bay J-16 của Trung Quốc. (Ảnh minh họa)
Tại cuộc họp báo ở Perth, Australia hôm 5/6, Thủ tướng Australia Anthony Albanese bày tỏ quan ngại về sự cố. Theo ông đây là một mối đe dọa đối với máy bay và phi công Australia. Nhà lãnh đạo này cho biết Canberra đã liên lạc với Bắc Kinh “thông qua các kênh thích hợp”.
Quan chức Australia cho biết thêm, bộ quốc phòng nước này trong hàng chục năm đã thực hiện các nhiệm vụ do thám ở khu vực, “tuân thủ luật pháp quốc tế, thể hiện quyền tự do hàng hải và hàng không ở các vùng biển và vùng trời quốc tế”.
Đây không phải lần duy nhất các lực lượng Trung Quốc và Australia có sự cố va chạm trong vòng vài tháng trở lại đây. Hồi tháng 2, Australia kêu gọi một cuộc điều tra toàn diện, cáo buộc tàu hải quân Trung Quốc nhắm laser vào máy bay quân sự Australia ở bờ biển phía Bắc nước này. Thủ tướng Australia khi đó là ông Scott Morrison đã gọi đây là “hành động đe dọa”.
Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Canberra xấu đi trong vài năm qua, đặc biệt sau khi ông Morrison kêu gọi cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc đại dịch COVID-19. Tuần này, phát biểu trong chuyến thăm Papua New Guinea, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói để “làm mới lại” mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia sẽ cần có những “hành động cụ thể” và “không có gì là tự động” đạt được.
Tuần trước, quân đội Canada ghi nhận sự cố tương tự, nói máy bay Trung Quốc liên tục tiếp cận các máy bay do thám của nước này khi họ đang bay qua khu vực để thực hiện các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên.
Lực lượng vũ trang Canada tố máy bay quân sự Trung Quốc “không tuân thủ các quy định an toàn hàng không quốc tế” và có những tương tác “thiếu chuyên nghiệp”, “đặt sự an toàn của các thành viên lực lượng không quân Canada (RCAF) vào nguy hiểm”.