Video: Bình minh trên đầm sen Trà Ổ, huyện Phù Mỹ, Bình Định.
Đó là đầm Trà Ổ thuộc xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ (Bình Định), cách trung tâm TP Quy Nhơn khoảng 70km về hướng Bắc. Đầm sen đang ở thời điểm cuối mùa hoa, nhìn từ trên cao tựa như thảm lụa xanh mướt trải dài dưới nắng.
Mặc dù nắng gắt, du khách vẫn tranh thủ những ngày nghỉ lễ đến check-in tại cánh đồng sen, hy vọng kịp tận hưởng vẻ đẹp của những bông hoa nở rộ cuối cùng trong năm. Sen ở đầm Trà Ổ phát triển tự nhiên, du khách có thể chèo xuồng trên khắp các lối đi chằng chịt để ngắm.
Hơn chục năm trước, giống sen được người dân thả vào đầm, sau đó phát triển một cách tự nhiên, lan rộng thành cánh đồng sen tự nhiên lớn nhất Bình Định.
Sen Trà Ổ nở rộ từ tháng 3 đến tháng 6 hằng năm. Cứ đến mùa sen nở, nơi đây lại đón nhiều bóng hồng ăn mặc thướt tha, không ngại len lỏi giữa những đám sen, tìm kiếm cho mình những khung hình đẹp nhất.
Trước sự quyến rũ của những đóa sen hồng rực, chị em dường như không còn sợ nắng nóng, say sưa tạo dáng để có được những bức ảnh đẹp nhất.
Ngoài sen hồng, trên đầm Trà Ổ còn có nhiều hoa súng trắng.
Những bông súng bung cánh trắng muốt khoe nhị vàng mang vẻ đẹp thanh khiết được nhiều cô gái chọn làm đạo cụ sau khi đã có những bức ảnh đẹp bên đóa sen hồng.
Nhiều du khách cho biết, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài cho phép họ tranh thủ đến đây để tham quan và chụp ảnh, kịp trước khi mùa sen chấm dứt.
Anh Nguyễn Quang Tường (36 tuổi), một người làm dịch vụ du lịch cộng đồng trên đầm Trà Ổ, chia sẻ: “Diện tích sen ngày càng lan rộng ra, tạo nên mảng sen nổi trên mặt đầm, trở thành điểm nhấn du lịch cho vùng quê nghèo. Mấy hôm nay, nhiều bạn trẻ, nhiều cặp cô dâu chú rể về đây thuê tôi chống ghe để chụp hình trên đầm làm kỷ niệm”.
Đầm sen tự nhiên cũng cung cấp một lượng thức ăn phong phú cho các loài chim trời. Cuối mùa hoa sen cũng là thời điểm các loài chim đổ về đây kiếm ăn.
Đầm Trà Ổ (dân gian hay gọi là Bàu Bàng hoặc đầm Châu Trúc) có chu vi khoảng 20km, được bao quanh bởi các xã Mỹ Thắng, Mỹ Lợi, Mỹ Đức, Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ). Trước đây, đầm nối với biển bằng cửa Hà Ra nhưng hiện cửa này chỉ thông biển vào mùa mưa, còn mùa khô bị bồi lấp. Dù không còn chung với nhịp đập thủy triều nhưng nước đầm vẫn luôn mênh mông.
Bao đời nay, những sản vật trên đầm như tôm, cua, cá, tép, chình… nuôi sống nhiều gia đình. Đặc sản nổi tiếng của đầm Trà Ổ là chình mun và rạm (thuộc họ cua, mình mỏng, bụng vàng, chân có lông)...
Mỗi năm, cứ đến mùng 5 Tết Nguyên đán, trên đầm Trà Ổ đều diễn ra lễ hội đua thuyền truyền thống lớn nhất Bình Định. Lễ hội mang nét văn hóa đặc sắc của người miền biển, là dịp để gắn kết các ngư dân làng chài, để họ tạ ơn về những nguồn lợi từ đầm và cầu mong một năm no ấm.
Trên đầm Trà Ổ hiện có nhà máy điện mặt trời từng được coi là lớn nhất Đông Nam Á, được xây dựng tại thôn Mỹ Phú Bắc, xã Mỹ Lợi. Nhà máy có diện tích khoảng 60,6ha (gồm 60ha mặt nước và 0,6ha trên mặt đất), được khởi công xây dựng vào tháng 6/2020.