Cho đến nay, trong lịch sử loài người mới chỉ có 12 người đều là các phi hành gia của NASA đặt chân lên Mặt Trăng. Mới đây, tỷ phú người Mỹ Elon Musk đã hứa sẽ đưa tỷ phú người Nhật Bản cùng 6-8 người gồm nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhà thiết kế và những người sáng tạo khác đi xung quanh Mặt Trăng trên hệ thống phóng Tên lửa Falcon Lớn (BFR) của SpaceX. Chuyến du lịch đắt đỏ này dự kiến khởi hành vào năm 2023.
Nhưng bất kể chịu chi tới mức nào, tỷ phú người Nhật và các bạn đồng hành chỉ có quan sát Mặt trăng từ xa chứ không được trực tiếp đặt chân xuống du ngoạn trên hành tinh này.
Tỷ phú Nhật Bản Yusaku Maezawa. (Ảnh: Time)
Trên thực tế, việc đưa con người vào quỹ đạo của Mặt Trăng một cách an toàn là cả một thách thức. Việc thiết kế tàu vũ trụ đưa người đi và trở về bầu khí quyển Trái đất cũng như thiết kế một tên lửa để đẩy nó vào Mặt trăng dự báo sẽ gặp phải nhiều trở ngại lớn đối với SpaceX.
Nhìn lại cuộc đổ bộ của Apollo vào cuối những năm 1960 và đầu thập niên 70, dễ dàng nhận thấy Module Chỉ huy, con tàu vũ trụ đưa các phi hành vào quỹ đạo Mặt trăng không bao giờ thực sự đáp xuống đây. Thay vào đó, Module Mặt trăng sẽ tách ra từ Module Chỉ huy, đưa các phi hành gia hạ cánh xuống Mặt trăng.
Tuy nhiên đây không phải là kế hoạch ban đầu. Vào những ngày đầu tiên lên kế hoạch, các kỹ sư NASA đã nghiên cứu hạ cánh toàn bộ Module Chỉ huy, nhưng họ sớm nhận ra rằng Module Chỉ huy sẽ bị nổ tung ngay khi trở lại vào không gian với kế hoạch này.
BFR của SpaceX được thiết kế mạnh hơn tên lửa Saturn V trong sứ mệnh của Apollo. Đầu năm 2018, tập đoàn công nghệ Mỹ đã đăng tải một video quảng cáo cho thấy một tên lửa BFR mang theo xe hơi thể thao đã được phóng vào vũ trụ như thế nào.
Hình ảnh mô phỏng hệ thống phóng Tên lửa Falcon Lớn (BFR) của SpaceX. (Ảnh: Spacex)
Trên thực tế, SpaceX từng thực hiện nhiều cuộc đổ bộ vào không gian mà ngay cả NASA cũng phải mơ ước. Nhưng chiếu theo lịch sử, việc lên kế hoạch cho một đợt hạ cánh ở Mặt trăng là một dự án hoàn toàn riêng biệt với chi phí khổng lồ.
Chương trình Module Mặt trăng tiêu tốn của NASA 2,24 tỷ USD. Con số này với Module chỉ huy là 3,73 tỷ USD và tên lửa Saturn V là 6.42 tỷ USD. Kỹ sư trưởng của dự án này Thomas Kelly trong một cuốn sách xuất bản năm 2012 cho biết các khoản ngốn nhiều chi phí nhất nằm ở nỗ lực giảm thiểu tối đa trọng lượng của các module.
Trong sứ mệnh Apollo 11, chỉ có 2 phi hành gia được sải bước trên bề mặt gồ ghề của Mặt trăng. Trong khi đó, BFR sẽ phải vận chuyển ít nhất là 7 hành khách. Đây được coi là trở ngại lớn nhất ngăn SpaceX không thể đem đến cho các khách hàng của họ trải nghiệm đặt chân lên Mặt trăng.
Video: Space phóng tên lửa mang xe hơi thể thao vào vũ trụ
Cuối cùng là vấn đề con người. Nếu mục tiêu của SpaceX chỉ là là khám phá Mặt trăng, công ty này có thể có nhiều lựa chọn hơn. Các phi hành gia có chuyên môn cao của họ hoàn toàn có thể đặt chân lên Mặt trăng nếu thực sự có một kế hoạch bài bản.
Trong khi đó nếu để các hành khách đặt chân lên Mặt trăng, sẽ cần thêm các chuyên gia xử lý các vấn đề kỹ thuật bên trong. Điều đó có nghĩa là các chuyến đi sẽ cần nhiều người hơn và tốn thêm các chi phí đi kèm.
Vì vậy Space X chọn để các khách hàng của họ ngắm nhìn Mặt trăng từ xa thay vì vẽ ra thêm một núi việc để làm và một núi tiền để chi, theo Live Science.