“Mua vừa đủ dùng thôi!”
Từ 13h hôm nay, Đà Nẵng dừng hoạt động kinh doanh hàng ăn uống, kể cả bán hàng qua mạng, bán mang về.
Ghi nhận của PV ngày 30/7, sau khi thành phố có lệnh dừng hoạt động bán hàng ăn uống mang về, nhiều người dân đến các đại lý gạo để mua tích trữ cho thời gian cách ly sắp đến kéo dài dự tính 14 ngày.
Đại lý gạo ở Đà Nẵng thực hiện quy định phòng chống dịch COVID-19.
Chủ đại lý gạo Mười Thảo (20 Nguyễn Duy Hiệu, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết, lượng khách mua gạo đợt dịch này cao hơn đợt trước. Tuy nhiên, khách đến mua trải đều suốt từ thời điểm bắt đầu phát hiện ca nghi nhiễm, không có tình trạng đông đột biến như mấy tháng trước.
Khảo sát nhanh, dù người mua khá đông nhưng chủ đại lý không tăng giá, loại gạo rẻ nhất 13.000đ/kg, cao nhất là gạo Hạt ngọc trời tiên nữ với giá 27.000đ/kg.
“Hiện các loại gạo thông dụng như Cỏ May thương phẩm,Cỏ may thơm thái, Cỏ may thơm lài… tạm thời đã hết. Đại lý chỉ còn những loại gạo đặc thù như gạo Bụi Thơm, gạo Tài Nguyên… các loại gạo dành cho suất ăn công nghiệp. Hiện tại, gạo đã về ở các container ngoài cảng. Tuần đến sẽ nhập về tiếp, gạo không thiếu”, chủ đại lý cho hay.
Chủ đại lý gạo trên đường Ngũ Hành Sơn cho biết, hôm qua và hôm nay người đến mua gạo khá đông nhưng rất trật tự và cửa hàng thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch của thành phố. Những ai không đeo khẩu trang, cửa hàng cương quyết không tiếp, không bán nhằm đảm bảo an toàn chung.
“Gạo không thiếu, mua mấy cũng có, giá không đổi. Tôi khuyên mọi người nên mua lượng vừa phải để dùng như bình thường, đừng thấy dịch mà hoang mang, mua tích trữ”, chủ đại lý khuyên.
Nhằm phòng tránh dịch, một số đại lý gạo dừng hẳn việc bán trực tiếp, chuyển sang ship hàng tận nơi theo số điện thoại được thông báo trước cửa hàng.
Đại lý gạo Phi Hùng (đường Ông Ích Khiêm, quận Hải Châu, Đà Nẵng) treo bảng với nội dung “Quý khách hàng mua gạo xin liên hệ số điện thoại…., có nhân viên giao gạo tận nhà. Cửa hàng đảm bảo không thiếu gạo” để thực hiện chỉ đạo phòng dịch của thành phố, tránh tụ tập đông người.
Bảng giá gạo tại đại lý Mười Thảo được công khai để người mua biết.
Siêu thị, chợ: Hàng hóa ê hề
Ghi nhận tại các siêu thị lớn, dòng người mua thực phẩm trong ngày 30/7 khá đông. Bà Nguyễn Thị Lợi (trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho rằng đây là tâm lý chung khó tránh khỏi.
“Tôi mua một số gạo, mỳ tôm, thịt hộp đủ dùng cho gia đình trong khoảng 5 ngày, để hạn chế ra đường”, bà Mai nói.
Tuy lượng người mua đông nhưng các quầy thịt, mì tôm, gạo Siêu thị Big C Đà Nẵng vẫn đầy ắp thực phẩm. Nhân viên hệ thống được huy động tối đa để bổ sung hàng hóa lên kệ trưng bày.
Ở khu vực bán thực phẩm, nhiều mức khuyến mãi mua 2 tặng 1, mua 3 tặng 1 vẫn được áp dụng. Đặc biệt, khẩu trang y tế loại 4 lớp vẫn còn rất nhiều với giá niêm yết 90.000 đồng/hộp 50 cái.
Tại các chợ truyền thống, lượng người có đông hơn bình thường nhưng thịt cá, rau củ quả vẫn ê hề, giá bán được niêm yết công khai, không có hiện tượng khan hiếm, tăng giá như một số thông tin trên trang mạng xã hội.
Chị Nhuần, bán hàng thịt tại chợ Mỹ An cho biết, chị và các tiểu thương vẫn bán hàng bình thường, phục vụ người dân hằng ngày.
"Dù người mua đông hơn mọi ngày nhưng tôi và các tiểu thương chấp hành nghiêm khuyến cáo của Sở Công thương, không nâng giá. Tất cả đều được niêm yết rõ ràng", chị Nhuần nói.
Hàng hóa tại các siêu thị luôn đảm bảo phục vụ nhu cầu người dân.
Ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng cho hay, Sở đã có chỉ đạo yêu cầu tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên mua tích trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm với số lượng lớn vì các siêu thị, chợ, cửa hàng tạp hóa và các đơn vị cung cấp suất ăn, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm vẫn hoạt động bình thường.
Sở đã có kế hoạch chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu để phục vụ nhu cầu người dân chủ động, thường xuyên, liên tục với nguồn dự trữ dồi dào, phong phú, được quản lý theo chuỗi cung ứng trên toàn quốc với các tổng kho ở khu vực miền Trung, miền Bắc và miền Nam, bảo đảm phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.