Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai ngày 18/10, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, hiện lũ miền Trung đã vượt lịch sử. Mưa lũ, sạt lở đất tại khu vực Trung Bộ, đặc biệt mưa lũ, sạt lở tại Quảng Trị diễn biến phức tạp và khó lường.
Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, việc kích hoạt cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất lên cấp 4. Đây là mức cảnh báo gần cao nhất để huy động sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương và người dân.
Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai thông tin tại cuộc họp.
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết. lũ trên sông Hiếu tại Đông Hà đạt đỉnh là 5,35m vào 3h ngày 18/10, trên báo động 3 là 1,35m; trên sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn đã đỉnh là 7,4m, trên báo động 3 là 1,4m.
Lũ trên sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh), các sông ở Quảng Bình đang lên, các sông ở Quảng Trị đến Quảng Nam đang xuống.
Cụ thể, mực nước lúc 7h ngày 18/10 trên một số sông như sau: Sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt là 8,24m, trên báo động 1 là 0,74m; sông Gianh tại Mai Hóa là 5,73m, trên báo động 2 là 0,73m; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy là 3,79m, trên báo động 3 là 1,09m; sông Hiếu tại Đông Hà là 5,17m, trên báo động 3 là 1,17m.
Các sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn là 7,33m, trên báo động 3 là 1,33m; sông Bồ tại Phú Ốc là 3,98m, trên báo động 2 là 0,98m; sông Hương tại Kim Long là 2,61m, trên báo động 2 là 0,61m; sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 8,37m, trên báo động 2 là 0,37m.
Dự báo, trong 6-12 giờ tới, lũ trên sông Ngàn Sâu, các sông ở Quảng Bình tiếp tục lên; các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam xuống dần. Cảnh báo, từ ngày 18-20/10, nguy cơ cao xảy ra lũ đặc biệt lớn trên các sông tại Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Cùng với đó, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam, đặc biệt tại các huyện: Kỳ Sơn, Con Cuông, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tương Dương (Nghệ An); Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ (Hà Tĩnh); Minh Hóa, Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Quảng Trạch, Quảng Ninh (Quảng Bình); Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ và phía tây các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng (Quảng Trị); A Lưới, Nam Đông, Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền (Thừa Thiên - Huế); Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang (Quảng Nam).
Đồng thời, ngập lụt sâu, diện rộng tiếp tục diễn ra ở vùng trũng thấp, các khu đô thị từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam, đặc biệt tại các huyện: Hương Khê, Vũ Quang, Cẩm Khê, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh); Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ Thủy, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình); Hướng Hóa, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ...
Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết các địa phương cần khẩn trương triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết, mất tích; cứu chữa người bị thương; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch cho người dân bị thiệt hại; bảo đảm khám chữa bệnh cho người dân vùng lũ; khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, phục hồi sản xuất.
Các địa phương phải chỉ đạo, tổ chức giám sát, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và hạ du, dành dung tích để đón đợt lũ tiếp theo, đặc biệt là đối với các hồ chứa lưu vực sông Hương.