Video: Mưa lũ lịch sử, Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp thời chiến
Trung Quốc vừa nâng mức phản ứng khẩn cấp với lũ lụt lên mức cao thứ 2 khi mực nước cao kỷ lục chưa từng thấy, kể từ năm 1998.
Hôm 13/7, Bộ Tài nguyên Nước Trung Quốc cho biết, kể từ đầu tháng 6, Trung Quốc đã nâng mức cảnh báo lũ lụt cho 433 con sông, trong đó 33 con sông đã phá vỡ kỷ lục mực nước.
Giới chức ở tỉnh Giang Tây, một trong những khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất, đã ban hành các biện pháp phòng vệ thời chiến, sau khi mực nước tại hồ Bà Dương - hồ nước ngọt lớn nhất của Trung Quốc, tăng lên 22,52 m, mức cao kỷ lục trong lịch sử hồ và vượt xa so với mức báo động 19,5 m.
Mưa liên tiếp, gây ngập lụt và nhấn chìm nhiều địa phương ở Trung Quốc.
Theo Tân Hoa Xã, giới chức tỉnh Giang Tây cho biết trong ngày 11/7 hơn 53.300 người được điều động để chống lũ ở Giang Tây, với 1.545 máy móc hỗ trợ.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, hôm 12/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra những chỉ dẫn quan trọng cho các quan chức trong nỗ lực bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.
Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc điều hàng nghìn binh sĩ đến sông Dương Tử để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ đê, bồi đắp bờ kè, khơi thông kênh đào để giải phóng nước cũng như hỗ trợ, cứu hộ người dân bị mắc kẹt do mưa lũ.
Hôm 12/7, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc cho biết, nước này sẽ chi 309 triệu nhân dân tệ để cứu trợ các khu vực bị ảnh hưởng, bao gồm các tỉnh Giang Tây và Hồ Bắc cũng như Trùng Khánh.
Lực lượng vũ trang Trung Quốc được tăng cường để hộ đê, chống lụt.
Trung Quốc đang phải hứng chịu mưa lớn, lũ lụt và lở đất trong nhiều tuần liên tiếp tại hầu hết các địa phương trong thời gian qua. Theo số liệu chính thức, đến nay, 141 người đã chết hoặc mất tích. Ít nhất 27 triệu người đã bị ảnh hưởng, trong đó có hơn 2,24 triệu người phải sơ tán.
Cơ quan Khí tượng Trung Quốc hôm 11/7 tiếp tục duy trì cảnh báo màu vàng về mưa bão, cảnh báo mưa lớn cuối tuần ở các khu vực bao gồm Tứ Xuyên và Trùng Khánh ở phía Tây Nam, các tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam ở miền trung Trung Quốc.