Già dặn kinh nghiệm đã đành, họ còn đáng nể về thành tích nữa. Ai dám hoài nghi năng lực của một HLV từng lên ngôi vô địch World Cup! Trong khía cạnh này, phải khẳng định luôn: họ là những HLV xuất sắc nhất tại EURO 2020. Bởi chỉ có họ từng vô địch World Cup. Họ là Didier Deschamps (Pháp) và Joachim Loew (Đức).
Trước tiên, hãy nói về họ qua những… thất bại. Có cái gọi là quy luật: thất bại là mẹ thành công. Những người giỏi giang mà lại còn có cả thất bại để rút ra kinh nghiệm, chỉnh sửa nữa, thì còn ghê gớm cỡ nào!
Trong tư cách ĐKVĐ, HLV Loew và đội tuyển Đức gây thất vọng lớn khi thua cả Hàn Quốc 0-2, bị loại khỏi World Cup 2018 ngay sau vòng bảng. Rồi sau đó, ông lại liên tục gây ra những thất vọng khác suốt 3 năm qua. Đức thua cả Bắc Macedonia ở vòng loại World Cup, ngay trước thềm EURO này. Ông bỏ, rồi lại dùng các cựu binh, như Thomas Mueller.
Cái nhìn bi quan cho thấy, hình như Loew quả đã tiến đến giới hạn cuối cùng của một khái niệm mà giới bình luận vẫn hay nhắc đến: chu kỳ thành công trong bóng đá đỉnh cao. Ngược lại, cái nhìn lạc quan vẫn đầy hy vọng: kỳ này sẽ khác! Bản thân Loew đã rút ra những kinh nghiệm quý giá từ hàng loạt thất bại trong 3 năm qua, để rồi ông sẽ thành công lần cuối trước khi chia tay Mannschaft?
Khi thầy trò Loew lặng lẽ chia tay World Cup 2018 bằng cửa sau thì đội tuyển Pháp của Deschamps lên ngôi vô địch. Và đấy cũng chính là giải đấu mà Deschamps đã có những chỉnh sửa phù hợp sau khi thua đau trong trận chung kết EURO 2016. Vào đến chung kết thì khó có thể gọi là thất bại.
Dù sao đi nữa, ai cũng cho rằng Pháp phải thắng Bồ Đào Nha – nhất là một Bồ Đào Nha đã mất Cristiano Ronaldo ngay từ đầu trận. Thua Bồ Đào Nha ngay tại sân nhà là một thất bại. Và thầy trò Deschamps đã đi tiếp từ thất bại ấy, đến chức vô địch giải đấu kế tiếp - World Cup 2018.
Nhìn chung, cả Deschamps lẫn Loew đều đã có đủ vinh quang cũng như cay đắng, trong sự nghiệp dẫn dắt ĐTQG. Chẳng còn gì có thể làm họ ngỡ ngàng hoặc cay đắng nữa. Không riêng trận địa EURO, cả châu Âu không ai dẫn dắt ĐTQG lâu như Loew.
Vốn đã là trợ lý của người tiền nhiệm Juergen Klinsmann ở kỳ World Cup 2006 khá thành công, Loew bước lên lèo lái Mannschaft từ đó đến nay. Tột đỉnh vinh quang của ông là chức vô địch World Cup 2014 – giải đấu mà Đức đã đè bẹp BĐN của Cristiano Ronaldo 4-0 ngay từ trận ra quân ở vòng bảng, thắng chủ nhà Brazil đến 7-1 ở bán kết, và thắng nốt Argentina của Lionel Messi trong trận chung kết.
“Triết lý Loew” được liên tục bàn đến, qua cách chơi nặng về giữ bóng, thủ môn Manuel Neuer đá như một libero bên ngoài vùng cấm, từ đó đẩy cao đội hình hơn chục mét…
Thế còn Deschamps? Ông huấn luyện Pháp từ năm 2012, và Les Bleus luôn tiến bộ đều đặn từ đó đến nay. Khác với Loew vốn là “vô danh tiểu tốt” trước khi làm trợ lý cho Klinsmann, Deschamps đã dẫn dắt Monaco, Juventus, Marseille, đã nổi danh ở đấu trường CLB từ trước khi tiếp quản ĐTQG.
Deschamps, trong giải đấu đầu tay của ông với Les Bleus, đã thua Đức của Loew tại World Cup 2014. Nhưng Pháp thắng lại Đức ở EURO 2016. Đến khi vô địch World Cup 2018 thì Deschamps được ca tụng ở cách dùng người.
Paul Pogba tầm thường, ngổ ngáo bao nhiêu trong màu áo M.U, thì lại xuất sắc bấy nhiêu trong đội tuyển Pháp. Antoine Griemann hoặc Kylian Mbappe cũng đều tỏa sáng ở ĐTQG, hơn chính họ trong màu áo CLB. Đặc biệt, Deschamps gây tiếng vang về chiến thuật khi ông luôn dùng Olivier Giroud, trong vai trò “trung phong mà không cần ghi bàn”.
Tóm lại, Deschamps cũng như Loew, đều đã thể hiện được dấu ấn rõ ràng, có giá trị cao về chuyên môn, chứ không chỉ có thành tích để lòe thiên hạ. Nhưng dĩ nhiên, họ đang bước vào EURO với khác biệt quá lớn. Loew đã tiến đến đoạn kết của hành trình 15 năm dẫn dắt Mannschaft, trong khi Deschamps vẫn đang tận hưởng thành công với Les Bleus.