Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lớp học không phấn, không bảng của người thầy viết chữ bằng miệng

(VTC News) -

Luyện viết chữ bằng miệng thành công, anh Trường tự trau dồi kiến thức, mở và duy trì lớp dạy miễn phí cho trẻ em nghèo suốt 14 năm qua.

Bất kể ngày mưa hay nắng, 14 năm qua, lớp học miễn phí ở thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn luôn sáng đèn. Bà con nơi đây và những đứa trẻ yêu quý gọi đó là "lớp học của thầy Trường viết chữ đẹp bằng miệng".

Thầy giáo Phùng Văn Trường năm nay 45 tuổi. Anh mắc bệnh thoái hóa cơ quái ác từ nhỏ khiến hai tay co cứng, cầm nắm khó khăn, đôi chân cũng không thể cất bước phải dùng xe lăn. Song, anh Trường đã tự học viết chữ bằng miệng và viết rất đẹp. 

Anh Trường kể, khi nhỏ, bố mẹ cho anh đi khám vài nơi và được kết luận mắc chứng bệnh thoái hóa cơ tiến triển, chi phí điều trị đắt đỏ mà điều kiện kinh tế gia đình hạn hẹp nên việc chữa chạy của anh phải dừng lại. "Tôi cố gắng đi học hết lớp 8 thì phải nghỉ học vì sức khỏe không cho phép. Sau khi nghỉ học, gia đình mở cho tôi một gian tạp hóa để bán hàng tạo thêm thu nhập và có niềm vui mỗi ngày, nhưng tôi vẫn khao khát được học tập nên hằng ngày tôi tự học viết bằng miệng”, anh Trường chia sẻ.

Theo anh Trường, những ngày đầu anh tập viết gian nan vô cùng. Có những lúc bút chọc thẳng vào họng gây buồn nôn, thậm chí chảy máu; đầu phải cúi sát xuống vở tập viết, đến khi ngẩng lên là đau vai mỏi cổ, hoa mày chóng mặt. Về sau, anh chuyển sang ngậm bút chéo trong miệng. "Sau thời gian dài luyện tập, tôi cũng học được cách dùng hàm là điểm tựa, dùng răng cửa là ngón tay, dùng cổ để đưa những nét bút lên xuống. Tuy nhiên, để viết đẹp được như bây giờ là tôi phải viết nhiều lắm, ngày nào cũng phải thức đến 2-3h sáng để luyện chữ", anh Trường cho hay.

Nhiều năm tháng tập luyện, anh Trường từ việc dùng miệng viết được những con chữ, dần dần nổi tiếng là người viết đẹp. 14 năm trước, thương những đứa trẻ ở quanh nhà ít điều kiện học tập, anh mở lớp dạy thêm miễn phí. Đầu tiên chỉ có lũ trẻ nhỏ, hoàn cảnh khó khăn. Về sau, hễ cứ trẻ ham học, muốn học hỏi thêm đến xin, trong khả năng có thể chỉ bảo của mình anh đều nhận. Căn nhà nhỏ của anh đã trở thành nơi học tập của nhiều em nhỏ ở vùng "rốn lũ" Nam Phương Tiến.

Chị Đỗ Thị Tuyết (31 tuổi, ở thôn Nhân Lý) cho biết, nhà chị có hai người con, bé gái đầu tiên được thầy Trường luyện chữ đẹp và học làm toán. "Sau thời gian, đứa con gái của tôi phát triển rất tốt, lên lớp đã theo được bài học của giáo viên, chữ cũng đẹp hơn nên hôm nay tôi đưa con trai út đến đây để gửi gắm thầy Trường", chị Tuyết chia sẻ.

Lớp học của anh Trường là căn phòng chừng 30m2, gồm những bộ bàn ghế đơn sơ, không phấn, bảng như những lớp học khác.

Theo anh Trường, kiến thức học đến lớp 8 của anh không nhiều, chỉ có thể dạy đọc, viết, làm toán đơn giản cho trẻ em cấp tiểu học. Ngoài kiến thức, điều anh mong mỏi hơn cả là truyền lại cho cho các em sự ham học, ý chí vượt lên hoàn cảnh, không ngại khó khăn. "Lớp tôi mở ra, không phân biệt độ tuổi, không phân biệt thời gian, không phân biệt gia cảnh. Bất cứ em nào có tinh thần học, ham học tôi đều nhận vào lớp", anh Trường nói.

Theo anh Trường, để có phương pháp dạy học hiệu quả và hợp lý, anh thường tìm hiểu thêm kiến thức qua sách báo, tivi, internet. Ngoài ra, anh cố gắng đánh giá đúng lực học của từng em để có cách dạy sao cho phù hợp. 

"Có những cháu nghe lời, chăm chỉ, nét chữ tiến bộ rất nhanh. Nguyện vọng của tôi chỉ mong góp phần nhỏ giúp các cháu học hành thành người, sau này về xây dựng vùng quê nghèo", anh Trường bày tỏ.

Trong không gian lớp học thêm luôn rộn ràng tiếng cười, tiếng trao đổi bài của những em học sinh. Với anh Trường, niềm hạnh phúc của bản thân anh chỉ đơn giản là sống vui vẻ mỗi ngày bên gia đình, bên các em nhỏ như thế.

 Thời gian gần đây, sức khoẻ anh Trường yếu hơn. Dù vậy, anh vẫn miệt mài dạy học từ sáng đến tối, không nghỉ buổi nào. Anh vui vẻ nói: “Chỉ cần còn ngồi được, tôi còn muốn dạy cho các em nhỏ”.

Ngoài dạy học, anh Trường kết hợp với dự án thư viện cộng đồng Hallo World (Chào thế giới), mở phòng đọc tại ngôi nhà của mình để các em nhỏ có sách đọc, được mượn sách miễn phí mỗi ngày. 

Theo anh Trường, năm 2014, anh tham gia chương trình “Điều ước thứ 7”. Tại đây, anh đã nói về mơ ước mở một tủ sách cho các cháu trong vùng.

Ước mơ của anh nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Đến nay, tủ sách của anh Trường có hơn 3.000 đầu sách giáo khoa, sách khoa học, kỹ năng sống, truyện tranh… Các em học sinh đến đây đọc và mượn sách mang về hoàn toàn miễn phí. 

Anh Trường hy vọng tủ sách của anh có thể gieo tình yêu sách đến với các em.

Để có thể duy trì lớp học và thư viện miễn phí, nuôi dưỡng được say mê dạy học, anh Trường luôn cảm ơn người vợ của mình - chị Ngô Thị Hường.

Hai anh chị nên duyên từ năm 2012. Theo chị Hường, khi quyết định kết hôn, hai vợ chồng chị đều khó khăn.

Cuộc sống sau hôn nhân của anh chị cũng nhiều vất vả, nhất là khi bé Phùng Thiên Trường Quảng ra đời. Chị vừa chăm sóc anh, vừa chăm sóc con, quán xuyến việc gia đình. 

Dù vậy, anh chị có một cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc, yêu thương và trân trọng lẫn nhau. “Vợ tôi đến với tôi không chỉ bằng tình yêu mà còn có cả tình thương nữa. Cô ấy là người chăm chỉ và chịu đựng nên tôi vô cùng trân trọng”, anh Trường tâm sự.

Hàng ngày, chị Hường đi làm từ sớm ở một công ty cách nhà khoảng 6km. Hôm nào về sớm thì 17h30, ngày công ty nhiều hàng hoá, chị có khi phải ở lại tăng ca tới 20h. Dù cuộc sống bận rộn, phải một mình gánh vác, xoay sở nhiều việc nhưng chị Hường luôn ủng hộ anh Trường duy trì lớp học miễn phí.

Anh Trường cho rằng, dù bản thân khuyết tật nhưng anh may mắn có người vợ nhân hậu sẻ chia, may mắn được bà con và lũ trẻ yêu quý để anh có động lực lên lớp mỗi ngày.

"Vợ tôi là chỗ dựa tinh thần để tiếp thêm sức mạnh. Còn con trai là đôi chân, cánh tay và tương lai của tôi. Lũ trẻ ngoan ngoãn, học hành giỏi giang là niềm vui của tôi", anh Trường chia sẻ và mong muốn bản thân thật khoẻ mạnh để có thể tiếp tục duy trì lớp học, duy trì dự án thư viện miễn phí cho trẻ em nơi đây và những người thân yêu không phải bận tâm về mình.

Ngô Nhung

Tin mới