Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lợi nhuận doanh nghiệp thủy điện: Người lãi lớn, kẻ lỗ nặng

(VTC News) -

Quý III, trong khi nhiều doanh nghiệp thủy điện lãi lớn thì một số lỗ nặng, nợ nần chồng chất, thậm chí rao bán nhiều lần vẫn ế.

Thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực thuỷ điện đã công bố kết quả kinh doanh quý III với kết quả khả quan.

Lãi tăng bằng lần

Báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Sông Ba (mã SBA) cho thấy quý III doanh nghiệp đạt doanh thu thuần 73,3 tỷ đồng tăng 142% và lãi ròng hơn 32 tỷ đồng tăng 525% (tức gấp hơn 6 lần) so cùng kỳ 2019.

Nhà máy Thủy điện Sông Bung 5. (Ảnh: TV1)

Nguyên nhân tăng trưởng mạnh mẽ được SBA giải trình do thời tiết thuận lợi, số ngày mưa trong quý nhiều hơn so với quý cùng kỳ nên sản lượng điện phát cũng tăng 163,98% so với cùng kỳ năm 2019. Do đó, doanh thu cũng tăng tương ứng 43,05 tỷ đồng.

SBA tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Điện Sông Ba, thành lập ngày 2/1/2003 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Doanh nghiệp lên sàn từ 6/2010, hiện cổ phiếu đang giao dịch mức 16.000 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, báo cáo của Công ty cổ phần Thủy điện Miền Trung (mã CHP) cho thấy lãi ròng quý III đạt gần 59 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước phải chịu lỗ. Đây cũng là kết quả lợi nhuận quý 3 tốt nhất của doanh nghiệp kể từ năm 2017.

Theo CHP, nhờ sản lượng điện thương phẩm của cả 2 nhà máy Thủy điện A Lưới (170 MW) và Điện mặt trời Cư Jút (50 MW) tăng mạnh đã giúp cho doanh thu của doanh nghiệp tăng 63% so với cùng kỳ, đạt xấp xỉ 188 tỷ đồng.

Bức tranh khởi sắc của doanh nghiệp thủy điện cũng điền tên Công ty Thuỷ điện A Vương (mã AVC) với lãi sau thuế quý III gần 73 tỷ đồng, gấp 4,3 lần cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, AVC lãi 53 tỷ đồng, tăng 214% so với cùng kỳ năm trước và đã thực hiện được 24,6% kế hoạch doanh thu và 93% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Giải trình về nguyên nhân tăng trưởng, AVC cho biết do trong kỳ lưu lượng nước về nhiều nên sản lượng cao dẫn đến doanh thu và lợi nhuận đột biến so với cùng kỳ năm trước.

Thêm doanh nghiệp thủy điện khác có mức tăng trưởng lợi nhuận tính bằng lần là Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà (mã TBC). Theo báo cáo tài chính quý III, TBC ghi nhận mức lời 76 tỷ đồng, tăng đến 225% so cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, TBC doanh nghiệp lãi ròng 167 tỷ đồng, tăng 34%.

Tương tự, Công ty cổ phần Thủy điện Điện lực 3 (mã DRL) cho hay lãi ròng quí III là 14,7 tỷ đồng tăng 72,4% nhờ lượng nước về nhiều và ổn định so với cùng kì năm trước nên sản lượng điện thương phẩm tăng 57,95%.

Rao bán lần thứ 5

Tuy vậy, không phải doanh nghiệp thủy điện nào cũng đạt kết quả khả quan quý III. Theo báo cáo mới công bố, quý III năm nay, lãi sau thuế của Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (mã DNH) chỉ hơn 231 tỷ đồng, giảm gần một nửa so cùng kỳ 2019.

Doanh thu thuần trong quý của DNH cũng đạt 558 tỷ đồng, giảm 28,5 trong khi chi phí giá vốn không giảm theo tỷ lệ tương ứng, thậm chí còn tăng nhẹ, dẫn đến lợi nhuận gộp thu về đạt 318 tỷ đồng, giảm 41,7%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu DNH đạt 1.269 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 505 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ.

Tổng nợ phải trả đến cuối quý III là 2.530 tỷ đồng, giảm 512 tỷ đồng so đầu năm, trong đó nợ thuê tài chính ngắn hạn là 94 tỷ đồng và nợ thuê tài chính dài hạn là 2.173 tỷ đồng.

Thua lỗ triền miên khiến Công ty Tư vấn Xây dựng điện 1 (mã TV1) rao bán Nhà máy thủy điện Sông Bung 5 lần thứ 5 với giá khởi điểm hơn 1.390 tỷ đồng.

Nhà máy thủy điện Sông Bung 5 được xây dựng trên Sông Bung (tỉnh Quảng Nam), ở hạ lưu 2 dự án thủy điện A Vương và Sông Bung 4 với công suất lắp máy 57 MW. Công trình khởi công năm 2009 và đi vào hoạt động từ năm 2012.

Lãnh đạo TV1 cho biết chủ trường đầu tư nhà máy Sông Bung 5 là đúng nhưng phương thức đầu tư chưa hợp lý dẫn đến hiện nay nhà máy thủy điện này có giá bán điện thấp và chi phí trả nợ cao.

TV1 từng 4 lần rao bán Nhà máy thủy điện Sông Bung 5, nhưng không thành công.

Hòa Bình

Tin mới