Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lính Ukraine phải vượt qua những công sự ‘đáng sợ’ nhất kể từ Thế chiến 2

(VTC News) -

Chiến tuyến dài gần 1.000 km của Nga như một cỗ máy “nuốt chửng” binh lính và phương tiện chiến đấu của Ukraine và là nỗi đau đầu của các chuyên gia phương Tây.

Khu vực Donetsk, Ukraine - “Năm chiếc xe tăng, nấp đi!" 

Đây là những mệnh lệnh mà Kevin Leach và nhóm lính đánh thuê Canada của anh ta đang hét lên với các tân binh thuộc Lữ đoàn phản ứng nhanh số 4 của Ukraine. 

Những người lính này đang cố gắng huấn luyện cho tân binh Ukraine cách tiếp cận và chọc thủng một số công sự của Nga - nơi được xem là phòng tuyến quân sự đáng gờm nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai. 

Kể từ khi bắt đầu vào tháng 6/2023, các quan chức Ukraine và Mỹ đã nhiều lần thừa nhận cuộc phản công diễn ra chậm hơn dự kiến​​, phần lớn là do mật độ của các tuyến phòng thủ mà Nga xây dựng. Mùa hè sắp trôi qua mà quân đội Ukraine vẫn không có bước đột phá lớn nào trên chiến trường.

Tuyến phòng thủ của Nga có chiều dài gần 1.000km, được bố trí dày đặc các vật cản và công sự. Các hệ thống “bẫy xe tăng” được thiết kế để làm chậm bước tiến của thiết giáp đối phương, những bãi mìn khổng lồ, các lớp dây thép gai và những lô cốt chứa đầy binh lính được trang bị những vũ khí chống tăng hiện đại. 

Trong khi đó, quân đội Ukraine phải phơi mình ngoài công sự, phải hứng chịu những đòn hỏa lực khủng khiếp từ pháo binh và không quân Nga.

BInh lính thuộc Lữ đoàn phản ứng nhanh số 4 của Ukraine.

Đã hơn một năm kể từ khi Ukraine mở cuộc phản công thành công vào vùng đồng bằng Kharkov, giành lại hàng nghìn km2 chỉ trong vòng chưa đầy một tuần.

Hệ thống phòng thủ của Nga rất yếu, thiết giáp và pháo binh của Ukraine có thể dễ dàng xuyên thủng chúng. Một số người đã hy vọng Ukraine có thể đạt được kết quả tương tự ở phía đông và phía nam trong năm nay.

Tuy nhiên, cuộc phản công hiện tại của Ukraine đã không tiến triển nhanh như vậy. Quân đội Nga, vốn bị báo chí phương Tây “chế giễu” vì thành tích kém cỏi trong năm ngoái đã rút ra được những bài học quan trọng.

Các lớp công sự

Ukraine đã tập trung nỗ lực chính vào khu vực Zaporizhzhia, nơi lực lượng của họ đã tiến từ thành phố nhỏ Orikhiv tới thành phố Melitopol do Nga kiểm soát, khu vực này được gọi là “cửa ngõ vào Crimea”. 

Nếu hướng tiến công này thành công, quân đội Ukraine sẽ cắt đứt tuyến đường nối bán đảo Crimea với khu vực Donetsk và lãnh thổ Nga. Tuy nhiên nhiệm vụ này không hề dễ dàng, bởi quân đội Nga đã có thời gian chuẩn bị.

Các chuyên gia quân sự phương Tây cảnh báo, quân đội Nga đã dành nhiều tháng để chuẩn bị cho cho trận chiến này. Nhưng trở ngại đáng kể nhất là các bãi mìn khổng lồ của Nga, Kevin Leach - thành viên thuộc đơn vị huấn luyện quân sự tư nhân Sabre nói với các phóng viên Popular Mechanics rằng, “Các bãi mìn sâu hơn nhiều và mọi người chưa chuẩn bị cho việc này. Điều này đã khiến Ukraine gặp rất nhiều khó khăn khó vượt qua”.

Kevin Leach - thành viên thuộc đơn vị huấn luyện quân sự tư nhân Sabre, chuyên huấn luyện cho binh sĩ Ukraine.

Để vượt qua những trở ngại này, Ukraine đã nhận được một lượng lớn thiết bị quân sự của phương Tây, bao gồm xe tăng Leopard do Đức sản xuất và xe chiến đấu bọc thép Bradley của Mỹ. 

Tuy nhiên một số lượng lớn những phương tiện chiến đấu trên đã bị phá hủy ngay trong những ngày đầu khi Ukraine cố gắng chọc thủng các tuyến phòng thủ của Nga. Sau đó, Ukraine buộc phải thay đổi chiến thuật, họ phải huy động các đơn vị công binh và bộ binh tiếp cận chiến tuyến để vô hiệu hóa từng quả mìn của Nga.

Từ tình hình thực tiễn chiến trường, những hoạt động huấn luyện mà Kevin Leach cùng nhóm của ông đang tiến hành chỉ tập trung vào việc hướng dẫn binh lính di chuyển chậm rãi và vượt qua các chiến hào.

Tìm điểm yếu

Ukraine đã lấy lại được một số khu định cư nhỏ kể từ khi mở cuộc phản công. Đáng kể nhất là việc giải phóng thị trấn Robotyne theo hướng Zaporizhzhia, một trong những thành trì kiên cố nhất của Nga ở tuyến phía nam.

Một người lính thuộc lữ đoàn Jaegar số 68 của Ukraine cho biết, anh ta đã tham gia giải phóng làng Staromaiorske ở vùng Donetsk và mô tả những khó khăn khi chiếm các khu vực này.

Binh sĩ Ukraine huấn luyện chiến đấu trong chiến hào.

“Chúng ta cần tìm ra điểm yếu! Khi đối mặt với một vị trí của đối phương, tốt nhất là nên vòng tránh và tìm điểm yếu. Chúng tôi tiến công vào và nhận ra họ đã cố thủ rất tốt, khi đó chúng tôi lùi lại và thăm dò vào một nơi khác. Ở một số nơi, tuyến phòng thủ sẽ yếu hơn và chúng tôi sẽ tập trung khai thác điểm yếu đó”, người lính trên đã chia sẻ với Popular Mechanics.

Chiến thuật mới này đã giúp Ukraine giành lại được một số khu vực từ tay quân đội Nga, tuy nhiên những bước tiến như vậy là rất chậm. Bước đột phá lớn để tiến ra biển Azov theo kế hoạch ban đầu dường như rất khó xảy ra, ít nhất là trong năm nay.

Những bất đồng

Ukraine đã không đạt được nhiều kết quả trong cuộc phản công, điều này cũng đã làm dấy lên sự đổ lỗi giữa Kiev và các đối tác phương Tây.

Các quan chức phương Tây đã chỉ trích chiến thuật của Ukraine, nói rằng họ đã dàn trải lực lượng quá mỏng và không sẵn sàng chấp nhận những rủi ro cũng như thương vong cần thiết để chọc thủng phòng tuyến của Nga. Trong khi đó, những người lính Ukraine, bao gồm cả một số chỉ huy đã phàn nàn rằng sự huấn luyện của phương Tây không phù hợp với nhiệm vụ trước mắt của họ.

Kevin Leach đồng ý với quan điểm của phía Ukraine và cho rằng những lời chỉ trích của Mỹ và phương Tây là không công bằng. Kevin Leach cho rằng học thuyết chiến tranh của phương Tây không thể giúp Ukraine vượt qua những khó khăn mà họ đang phải đối mặt.

Đạn thông thường cải tiến mục đích kép (DPICM).

“Các quốc gia phương Tây chưa từng xử lý các bãi mìn có độ phức tạp và sâu như thế này, kể cả các bãi mìn của Đức trong Thế chiến thứ hai”. Kevin Leach cũng chỉ ra rằng Ukraine đang tiến công mà không có sự hỗ trợ từ trên không, đó là lý do tại sao Kiev liên tục kêu gọi các đối tác NATO đẩy nhanh tiến độ chuyển giao F-16.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng đang thực hiện các biện pháp mới, nhằm tạo cho Ukraine cơ hội tốt nhất để chọc thủng hàng phòng thủ của Nga. Động thái gây tranh cãi nhất là việc cung cấp Đạn thông thường cải tiến mục đích kép (DPICM), một dạng bom, đạn chùm bị cấm ở hơn 100 quốc gia. 

Mặc dù Mỹ, Ukraine và Nga không tham gia Công ước về Bom, đạn chùm, nhưng điều này đã thu hút sự chỉ trích từ ngay cả các thành viên trong đảng của ông Biden, những người tin rằng rủi ro đối với dân thường là quá cao.

Leach cho rằng những rủi ro này là nên xem xét, đặc biệt là bối cảnh mà những vũ khí này sẽ được sử dụng. “Vật nổ còn sót lại sau xung đột sẽ gây nguy hiểm cho dân thường và sẽ mất rất nhiều công sức, tiền bạc để dọn sạch những vùng đất bị ô nhiễm bom đạn”.

Leach tin rằng sau cuộc xung đột, rất có thể binh lính Ukraine sẽ là những người huấn luyện cho lực lượng NATO. Bởi những người lính Ukraine đã và đang trải qua thực tế chiến trường rất ác liệt.

Lê Hưng (Popular Mechanics)

Tin mới