Tại buổi làm việc, phía Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao sự đóng góp tích cực của các Tập đoàn Hoa Kỳ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như có sự lan toả, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Việt Nam đang thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao dựa trên khoa học công nghệ, tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo, hướng đến phát triển kinh tế xanh và bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ trao đổi các văn kiện hợp tác giữa các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ.
Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…
Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cam kết đồng hành và tạo điều kiện để các tập đoàn Hoa Kỳ đầu tư hiệu quả tại Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội cho hoạt động hợp tác đầu tư, thương mại giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Nhân dịp này cũng diễn ra 5 lễ trao thoả thuận hợp tác đầu tư giữa các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ.
Trong đó, Liên minh Phát triển Hạ tầng xanh Saigontel có ký kết hỗ trợ thúc đẩy chiến lược tăng trưởng xanh tại Việt Nam, cụ thể lần ký kết này là thành phố Hải Phòng, nhằm hiện thực hoá quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng sau hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
Liên minh Phát triển Hạ tầng xanh Saigontel bao gồm các công ty có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phân tích và tư vấn kế hoạch giảm thiểu carbon, phát triển dự án năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng xanh, thu hút vốn đầu tư xanh tại Hoa Kỳ và châu Âu.
Được biết, trước đó, nhóm Liên minh tham gia tư vấn và đồng hành cùng nhiều địa phương như tỉnh Đồng Nai, Long An,… về việc đánh giá hiện trạng và hướng đến giảm phát thải tại các địa phương; đưa ra nhận định về các dự án trọng điểm, đề xuất kế hoạch định hướng theo hướng giảm thải ròng; phối hợp xây dựng chính sách, thực hiện các kế hoạch giảm phát thải và nâng cao năng lực cạnh tranh; thu hút tài chính xanh từ các nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn đa quốc gia.
Trong thời gian tới, Nhóm Liên minh sẽ triển khai thí điểm một số hoạt động thuộc Đề án, bao gồm: tính toán và hoàn thiện bản đồ phát thải của địa phương với khả năng truy xuất theo khu vực và theo lĩnh vực trên từng địa bàn và khả năng dự đoán trong các năm tiếp theo khi tích hợp quy hoạch phát triển của địa phương; sử dụng thuật toán AI trong việc tối ưu phân luồng giao thông, vị trí bến trạm tại các thành phố lớn, kết hợp tài trợ/hỗ trợ phương tiện di chuyển công cộng xanh như xe bus hoặc xe máy điện.
Với cuộc cách mạng e-mobility hiện nay thì việc giảm thiểu di chuyển và sử dụng phương tiện xanh sẽ tạo ra tín dụng carbon tương ứng.
Ngoài ra, xây dựng tiêu chí và kêu gọi đầu tư xanh vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm như cảng và logistics; xây dựng cơ sở tài chính và phương án tăng nguồn thu cho nông nghiệp công nghệ cao bền vững, nuôi trồng theo hướng hữu cơ thông qua vốn tài trợ xanh và nguồn thu từ tín dụng carbon.