Những ngày giữa tháng 5, cả thế giới lại hướng về miền Nam nước Pháp, thành phố Cannes - nơi diễn ra LHP Cannes, hội tụ những nghệ sĩ nổi tiếng và các tác phẩm điện ảnh được kỳ vọng cao về nghệ thuật.
Nhưng đã từ lâu, LHP Cannes còn trở thành nơi hành nghề lý tưởng của gái mại dâm, quảng bá rẻ tiền cho những bộ phim hạng thường và điểm đến ăn chơi của các triệu phú. LHP Cannes mất dần vị thế của một liên hoan phim danh giá.
Sự hào nhoáng xa hoa giả tạo
Vượt qua bờ biển dài, đa số các vị khách dừng chân ở Nice trước khi tới Cannes. Nice cách Cannes 26 km, hoàn toàn có thể di chuyển bằng xe bus trong khoảng 30 phút. Từng một thời, giới mộ điệu điện ảnh sẵn sàng ngồi xe bus để được tham gia các hoạt động của Cannes.
Nghệ sĩ đến Cannes chỉ là để gây chú ý hoặc kiếm tiền.
“Điều đó giờ là nhảm nhí”, một vị khách Trung Quốc vừa trở về từ LHP Cannes chia sẻ trên QQ. Hai năm qua, ở sân bay luôn có hàng dài những chiếc xe sang trọng gắn logo biểu tượng của LHP Cannes. Các vị khách tới Cannes trong kỳ liên hoan phim sẽ được đối xử như sao hạng A nếu chuẩn bị sẵn vài chục nghìn USD.
“Những chiếc xe mang thương hiệu Cannes đỗ ở sân bay không liên quan tới ban tổ chức. Ban tổ chức quy định xe không được rời khỏi Cannes trong những ngày diễn ra liên hoan phim. Vì thế, những chiếc xe xuất hiện ở Nice là chiêu trò kinh doanh”, Sina cho hay.
Thực tế, nhiều người đến với Cannes không quan tâm chuyện họ ngồi xe của ban tổ chức hay không. Với họ, Cannes là nơi có thể thỏa mãn mọi giấc mơ phù phiếm, chỉ cần có tiền.
Sở hữu tấm vé đến thảm đỏ cũng không còn là câu chuyện khó. Theo Sina, 5 năm trở lại, số lượng người Trung Quốc chọn Cannes là nơi khoe của ngày càng tăng. Tại LHP Cannes 2019, một cô gái trẻ của Trung Quốc có tới 9 lần xuất hiện trên thảm đỏ trong một ngày. Ngày hôm đó, cô thay tới 9 trang phục, túi xách, phụ kiện khác nhau.
Sở hữu những tấm vé ở Cannes là điều không khó.
Cannes có truyền thống dựng hàng rào hai bên đường để tạo lối đi cho các khách mời nghệ sĩ, nhà làm nghệ thuật. Trước giờ đi thảm đỏ, nhiều nghệ sĩ kém danh sẵn sàng đứng hàng giờ bên ngoài hàng rào. Họ mặc lộng lẫy, chen nhau giữa đám đông và đôi khi chịu cả cơn mưa nặng hạt để được qua cửa an ninh của ban tổ chức.
Chụp ảnh selfie bị cấm ở Cannes, đồng nghĩa, nhiều người phải chấp nhận chi thêm tiền để có nhiếp ảnh gia ghi lại khoảnh khắc trên thảm đỏ. Một nhiếp ảnh người Trung Quốc kể: “Chúng tôi nhận chụp ảnh từ 15h mỗi ngày. Giá khoảng 500 euro một người”.
Một đạo diễn nói trên QQ: "Để sở hữu những tấm ảnh đẹp trên thảm đỏ, tôi thấy họ đáng thương và lố bịch. Nhiều nghệ sĩ mặc hở bạo, phản cảm để gây chú ý. Điều họ cần là những tấm ảnh để khoe khoang. Trong trường hợp chụp xấu, họ phải cố nán lại để có những góc ảnh đẹp hơn”.
Gái điếm và các cuộc vui thâu đêm
“Đến Cannes phải dự các buổi tiệc đắt giá. Mỗi bữa tiệc có thể kéo dài đến 5h sáng. Tôi đã kiệt sức trong những ngày này”, một du khách tiết lộ.
Thông thường, khoảng 23h hàng ngày, buổi chiếu cuối của Cannes kết thúc, và các nghệ sĩ có thể tham gia hoạt động tiệc đêm.
Những bữa tiệc hạng sang thường kết thúc trên du thuyền, biệt thự riêng hay hộp đêm.
Mirror cho biết 30 buổi tiệc được tổ chức rầm rộ hàng đêm ở Cannes. Sau các buổi tiệc, một nhóm khách có thể gặp nhau ở hộp đêm Gotha và phần còn lại sẽ được nhìn thấy trên du thuyền hay các biệt thự đắt đỏ.
Business Insider bình luận: “Hình ảnh các ngôi sao hạng A vui vẻ trên các du thuyền khi dự LHP Cannes đã là điểm nhấn của sự kiện này nhiều năm qua”.
Nam diễn viên nổi tiếng Michael Madsen cho rằng Cannes hiện tại rất khác so với 20 năm trước. "Chúng tôi không chỉ trải qua cuộc vui điên rồ mà còn bạo loạn", Michael Madsen nói. Tiệc đêm muộn của Vanity Fair thường tổ chức đến khuya. Giá vé dự tiệc không hề rẻ, vào khoảng 11.000 USD. Tiệc do Chopard tổ chức ngoài vé tặng khách mời VIP còn có nhiều vé rao bán chợ đen với giá từ 8.000 USD đến 10.000 USD.
“Ma túy cũng là thứ không thể thiếu trong các buổi tiệc. Họ thấy ma túy đá ở khắp nơi. Cannes là nguồn cung bất tận về ma túy với giá cao gấp đôi ở Anh”, Mirror cho hay.
Hollywood Reporter hé lộ những buổi tiệc đêm đã kéo theo “văn hóa tình dục và ma túy” ở Cannes. Tại vùng biển ở miền Nam nước Pháp luôn có khoảng 40, 50 du thuyền lớn nhỏ neo đậu trên biển. Người sở hữu chúng là các triệu phú giàu có. Họ tới Cannes đúng dịp liên hoan phim để tìm kiếm sự vui vẻ hơn là tận hưởng nghệ thuật.
Nguồn tin báo này cho hay các cô gái hạng sang hành nghề mại dâm ở Cannes có thể thu về 40.000 USD một đêm. Gái gọi cao cấp ở Cannes được trả giá cao hơn nhiều so với Nice. Gái mại dâm từ khắp nơi đổ về Cannes để tìm cách có thêm thu nhập.
Cảnh sát địa phương còn xác nhận gái mại dâm cũng có thể là người mẫu, Hoa hậu hay người đi theo đoàn phim. Họ phục vụ các quý ông trên du thuyền hay tại biệt thự xa hoa.
Một gái mại dâm tên Daisy kể: “Có nhiều cô gái hoạt động mại dâm ở đây. Những cô gái địa phương sẽ dễ dàng hơn khi họ biết khách sạn nào là tốt nhất”. Nguồn tin khác cho biết kẻ mua dâm và người bán dâm giao dịch với nhau qua tín hiệu “cái búng tay’”.
QQ khẳng định một số nghệ sĩ kém tiếng của Trung Quốc tìm đường đến Cannes vì mục đích bán dâm. Họ phủ nhận nhưng điều đó không giúp họ tẩy trắng tin đồn.
Những bộ phim được chiếu ở quán cà phê lấy giải
LHP Cannes là liên hoan phim uy tín hàng đầu thế giới. Nhưng thật khó có thể trả lời bao nhiêu trong số các vị khách quan tâm đến phim ảnh. Thậm chí, các vị khách còn không biết bộ phim sắp chiếu tên là gì.
Các nhãn hàng thời trang, mỹ phẩm coi Cannes là dịp quảng cáo lý tưởng. Siêu mẫu đại diện các nhãn hàng sải bước trên thảm đỏ, nhận được sự chú ý của truyền thông trước khi tiến vào trung tâm hội nghị Le Palais. Khi các camera ngừng nhấp nháy ánh sáng, họ nhanh chóng lui vào hậu trường và chuẩn bị cho ngày thảm đỏ tiếp theo.
Cannes đang trở thành ngày hội của giới mại dâm, buôn bán ma túy.
Nhà sản xuất Craig Tuohy thẳng thắn: “Tôi không quan tâm đến thảm đỏ, đó đơn giản là kinh doanh và sự xô bồ. Nhưng có nhiều người đến Cannes chỉ vì thảm đỏ. Tiền cũng được thu về nhờ thảm đỏ”.
Những người muốn xem phim không thể vào khán phòng vì họ không có tiền. Người có vé vào xem phim lại không muốn xem phim. Điều lố bịch này đang xảy ra hàng ngày ở Cannes.
Ở bên kia của rạp chiếu uy tín là một chủ đề tranh cãi khác của LHP Cannes. Người ta có thể gọi đó là cái chợ, nơi những người mua và người bán phim ảnh gặp nhau. Các quán cà phê hay điểm chiếu nhỏ hai bên đường được mở xuyên suốt tại Cannes. Ở đó có khoảng 10 phòng chiếu với sức chứa 50 người mỗi phòng. Một ngày 80 phim không thuộc hệ thống đề cử của liên hoan phim được chiếu.
Một nhà sản xuất phim người Pháp tiết lộ mọi bộ phim đều có thể được chiếu ở không gian này. Miễn là ê kíp chịu bỏ tiền. Họ thậm chí còn mang về quê nhà một giải thưởng nhỏ nào đó. Ở Trung Quốc, 95% các nhà làm phim tuyên bố lọt đề cử Phim ngắn ở Cannes theo cách này.