Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Liên Bộ Tài chính - Công Thương lên tiếng ủng hộ chính sách ưu đãi với ô tô điện

(VTC News) -

Bộ Tài chính nêu quan điểm, để khuyến khích sản xuất, tiêu dùng và bảo vệ môi trường, các chính sách ưu đãi cho ô tô điện có thể thực hiện theo thủ tục rút gọn.

Với Bộ Công Thương, việc thí điểm miễn thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ với phương tiện này trong 5 năm là có thể xem xét.

Nhiều nước đang ưu đãi lớn cho ô tô điện

Bộ Tài chính vừa có văn bản xin ý kiến bộ và cơ quan liên quan về chính sách ưu đãi với ô tô điện. Đây là nội dung đã được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các đơn vị đánh giá sau kiến nghị thí điểm ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ 5 năm cho ô tô điện được Tập đoàn Vingroup đưa ra.

Trong văn bản, Bộ Tài chính nêu thực tế, các quốc gia trên thế giới hiện đang có xu hướng hạn chế hoặc loại bỏ dần các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, đồng thời khuyến khích các phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch. Đơn cử, Singapore đã có kế hoạch loại bỏ dần các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2040. Đồng thời, để khuyến khích, nước này còn hỗ trợ mức phí đăng kí lên tới 20.000 đô la Singapore và tăng đầu tư trạm sạc điện lên 28.000 trạm năm 2030.

Hay với Hàn Quốc, nước này đã ban hành chương trình khuyến khích xe ô tô điện chạy pin từ năm 2011 với rất nhiều các khoản trợ cấp và ưu đãi thuế với các vùng trên cả nước. Đặc biệt, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã đưa ra hỗ trợ giá 13.000 USD đối với các phương tiện chạy điện hoàn toàn.

Tại Indonesia, ngoài việc giảm, miễn thuế hàng hóa xa xỉ, quốc gia này miễn thuế nhập khẩu đối với xe ô tô điện và các cụm linh kiện chính của xe ô tô điện chạy pin; Miễn thuế nhập khẩu máy móc, vật tư và thiết bị sử dụng để sản xuất xe ô tô điện chạy pin. Ngoài ra còn là một loạt chính sách như ưu đãi cho sản xuất thiết bị trạm sạc xe ô tô điện chạy pin hay ưu đãi về phí đỗ xe.

Tương tự, để khuyến khích mua và sử dụng ô tô điện, Mỹ áp dụng đồng thời nhiều chính sách: miễn, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, khấu trừ thuế, hoàn tiền, giảm phí đăng kí, đỗ xe, hỗ trợ lắp đặt trạm sạc,...

Tại Việt Nam, theo Bộ Tài chính, chính sách thu lệ phí trước bạ hiên chỉ ưu đãi với xe buýt sử dụng năng lượng sạch. Với thuế tiêu thụ đặc biệt, mức thuế với các loại tô tô điện chở người từ 9 chỗ trở xuống là 15% và lần lượt ở mức 10% và 5% với loại chở người từ 10-16 chỗ và từ 16-dưới 24 chỗ.

Tỉ lệ xe chạy điện tại Việt Nam theo cơ quan này còn nhỏ nhưng hứa hẹn là thị trường tiềm năng. Bộ Tài chính dẫn khảo sát của Công ty Frost & Sullivan (Mỹ) cho thấy, có 33% người tiêu dùng Việt Nam được hỏi đều trả lời rằng họ nghĩ đến mua xe ô tô điện ngay từ lần đầu ra mắt.

Chính sách hỗ trợ cho xe điện: Có thể trình Chính phủ thủ tục rút gọn

Từ những cơ sở trên, Bộ Tài chính nêu quan điểm, ở nhiều nước trên thế giới, dòng ô tô điện được coi là giải pháp tối ưu để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí từ phát thải phương tiện giao thông.

Để khuyến khích sản xuất và kích thích người tiêu dùng, góp phần giảm lượng khí thải phát tán ra môi trường, Bộ Tài chính dự kiến báo cáo Thủ tướng về một số văn bản cần sửa đổi và thẩm quyền.

Cụ thể, với thuế tiêu thụ đặc biệt, đây là nội dung liên quan thuộc thẩm quyền của Quốc hội và phải trình cơ quan này để sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Về lệ phí trước bạ, theo Bộ Tài chính, các nội dung liên quan mức thu thuộc thẩm quyền của Chính phủ nên cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 140/2016/NĐ-CP. Bộ Tài chính cũng cho biết đang tổng kết và dự định trình Chính phủ sửa nghị định trên trong quý 4 năm nay.

"Trường hợp phải ban hành sớm hơn thì Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ theo trình tự, thủ tục rút gọn", văn bản nêu rõ.

Góp ý cho văn bản của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nêu quan điểm, việc xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi để khuyến khích sản xuất và kích thích người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện thân thiện với môi trường là cần thiết. Điều này cũng phù hợp với định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045  của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 của Thủ tướng.

Về kiến nghị của doanh nghiệp cho thí điểm chính sách ưu đãi không thu thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ áp dụng trong thời gian  5 năm với ô tô điện, Bộ Công Thương cho rằng, việc áp dụng là có thể xem xét. Cơ quan này đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét và chỉ đạo.

Trước đó, đánh giá về đề xuất về chính sách cho ô tô điện, giới chuyên gia cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ. Ngoài các giải pháp về thuế như đề xuất, trả lời mới đây, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng cần một tổ hợp chính sách liên ngành, từ thuế, tới phát triển hạ tầng, thông tin, hay việc hỗ trợ đầu tư cho R&D (nghiên cứu và triển khai). Ông khẳng định đây là cơ hội vàng để Việt Nam bứt phá bởi với ô tô điện, Việt Nam đang xuất phát gần như đồng thời với thế giới.

TS Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng nêu đề xuất cần có mục tiêu và lộ trình chính sách rõ ràng để hiện thực hóa được tiềm năng của xe điện. Vị này đề xuất các giải pháp để hỗ trợ chi phí sở hữu phương tiện cho người dùng như giảm toàn bộ lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, phí sử dụng đường bộ…

Ngoài ra, với các nhà sản xuất, theo ông, Chính phủ có thể xem xét giảm thuế nhập khẩu linh kiện cho xe điện, hỗ trợ cơ sở hạ tầng liên quan như cấp đất, miễn giảm thuế sử dụng đất cho nhà máy sản xuất ô tô hoặc sản phẩm phụ trợ cũng như hệ thống trạm sạc…

Quỳnh Chi

Tin mới