“Tôi có thể xác nhận rằng Ukraine đã bắn hạ một tên lửa của Nga bằng cách sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. Hệ thống đó là một phần trong phạm vi khả năng phòng không rộng lớn hơn mà Mỹ và cộng đồng quốc tế đã cung cấp cho Ukraine”, ông Patrick Ryder nói với các phóng viên.
Cuối tuần trước, chỉ huy Lực lượng Không quân Ukraine, trung tướng Mykola Oeshchuk, cho biết, quân đội Ukraine đã bắn hạ tên lửa Kinzhal của Nga bằng hệ thống phòng không Patriot.
Các bệ phóng tên lửa Patriot tại Warsaw, Ba Lan. (Ảnh: AP)
Theo ông Oeshchuk, Kinzhak là hệ thống tên lửa tiên tiến hàng đầu của Nga, có tính năng tàng hình trước radar và khả năng cơ động cao, đồng thời được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên bộ và trên biển. Tên lửa siêu thanh Kinzhal có thể đạt tốc độ Mach 10 (gấp 10 lần tốc độ âm thanh) và tấn công mục tiêu ở khoảng cách hơn 2.000 km.
Sự kiện này được cho là lần đầu tiên Ukraine sử dụng hệ thống phòng thủ do Mỹ sản xuất, được Washington cam kết chuyển giao cho Kiev vào tháng 12/2022 và được gửi tới nước này vào tháng 4.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng, Washington, các đồng minh và các đối tác của họ sẽ "tiếp tục hỗ trợ khả năng phòng không và vũ khí để giúp Ukraine bảo vệ không phận và ngăn chặn tên lửa hành trình của Nga".
Cũng trong ngày 9/5, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố gói viện trợ quân sự dài hạn mới trị giá 1,2 tỷ USD cho Ukraine. Gói hỗ trợ trị giá 1,2 tỷ USD, cung cấp theo Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), được giải ngân trong nhiều tháng và nhiều năm để đảm bảo nhu cầu an ninh trong tương lai của Ukraine.
Lầu Năm Góc cho biết gói hỗ trợ mới nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong cung cấp năng lực ngắn hạn, như hệ thống phòng không và đạn dược, và xây dựng năng lực về dài hạn cho các lực lượng vũ trang Ukraine để bảo vệ lãnh thổ, đối phó Nga.