Phát biểu trong một hội thảo online hôm 11/8, người đứng đầu Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), ông Kirill Dmitriev cho biết: “Các cuộc tấn công thông tin được chuẩn bị kĩ lưỡng nhắm vào vaccine COVID-19 của Nga, cố gắng làm giảm uy tín và làm sai lệch cách phát triển thuốc của Nga”.
Ông Dmitriev cho rằng “cách tiếp cận chính trị hóa của một số nước phương Tây với vaccine Nga đang gây nguy hiểm cho chính tính mạng công dân của họ”.
Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) là đơn vị tài trợ cho nghiên cứu phát triển vaccine COVID-19 của Nga.
Nga tuyên bố vaccine COVID-19 an toàn và có thể dùng đại trà vào tháng 1/2021.
Giới khoa học phương Tây lo ngại Matxcơva đốt cháy giai đoạn dưới áp lực chính trị để quảng bá hình ảnh Nga như một lực lượng khoa học toàn cầu.
Nhưng lãnh đạo quỹ RDIF nhấn mạnh, trong quá trình phát triển và thử nghiệm vaccine, Nga sử dụng phương pháp đã được chứng minh và thử nghiệm trên hàng nghìn người trong vòng 6 năm qua. Còn phương pháp của một số nước phương Tây khác thì mới hơn nhiều.
“Một số nước đang cố gắng chứng minh phương pháp thử nghiệm (vaccine) đối với 30.000-40.000 bệnh nhân. Đây là cách tiếp cận tương đối mới đối với việc tạo ra vaccine. Những cách này cần được thử nghiệm trong thời gian vài năm. Có thể thấy chưa có loại vaccine nào được tạo ra thông qua phương pháp mới đó được đăng ký trên thế giới.
Họ chưa nghiên cứu tác dụng lâu dài của chúng lên cơ thể con người, bao gồm cả khả năng sinh sản. Nếu nghĩ rằng các cách tiếp cận đó an toàn về lâu dài mà không nghiên cứu cẩn thận, đặc biệt về hậu quả, đó sẽ là một ảo tưởng nguy hiểm”.
Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar hôm 12/8 tỏ ra hoài nghi về tính kỹ lưỡng trong quá trình thử nghiệm của Nga. Các thử nghiệm vaccine ở giai đoạn 3, cũng là giai đoạn cuối cùng thường liên quan tới hàng chục nghìn người và kéo dài trong nhiều tháng.
Mỹ hiện mới chỉ có 2 ứng viên vaccine bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ 3 là vaccine mRNA-1273 do công ty công nghệ sinh học Moderna phát triển và vaccine medRxiv đang được tập đoàn Pfizer nghiên cứu. Trong giai đoạn 3, Moderna dự kiến thử nghiệm trên 30.000 người.