Lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU sẽ gặp nhau tại Versailles (Pháp) trong 2 ngày 10-11/3. Hội nghị diễn ra khi kế hoạch "quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine bước vào tuần thứ 3 bất chấp các lệnh trừng phạt lớn của phương Tây.
"Cuộc tấn công của Nga tạo ra sự thay đổi trong lịch sử châu Âu. Đối mặt với sự bất ổn ngày càng tăng, cạnh tranh chiến lược và các mối đe dọa an ninh, chúng tôi quyết định chịu trách nhiệm nhiều hơn về an ninh của mình và thực hiện các bước đi quyết định hơn nữa nhằm xây dựng chủ quyền châu Âu, giảm sự phụ thuộc và thiết kế một mô hình đầu tư, tăng trưởng mới cho năm 2030", tuyên bố dự thảo của 27 nhà lãnh đạo EU chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh cho biết.
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy hôm 27/2 ký đơn đề nghị EU cho Ukraine gia nhập tư cách thành viên.
Thời điểm này được xem là bước ngoặt đối với EU, vì Nga là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của khối, cung cấp hơn 40% lượng khí đốt, hơn 1/4 lượng dầu nhập khẩu và gần một nửa lượng than của khối này.
Lãnh đạo EU sẽ không đặt ra thời hạn tổng thể để cắt đứt hoàn toàn nguồn cung năng lượng của Nga vì sự phụ thuộc khác nhau giữa các quốc gia. Đức, Italia, Hungary, Áo là những nước phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn cung từ Moskva.
Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu (EC) tin rằng EU có thể giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong năm nay nếu đa dạng hóa các nhà cung cấp, đầu tư vào năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu quả năng lượng của các tòa nhà.
Dự thảo tuyên bố chung của lãnh đạo EU cũng cho hay, sau nhiều thập kỷ phụ thuộc vào Mỹ trong đảm bảo an ninh cho châu Âu, EU hiện muốn tăng mạnh chi tiêu cho quốc phòng. Hơn nữa, EU cũng sẽ độc lập hơn trong sản xuất bộ vi xử lý, dược phẩm hoặc thực phẩm.
Tại hội nghị lần này, lãnh đạo EU sẽ đưa ra những cam kết mạnh mẽ cho Ukraine để làm rõ tương lai của Kiev với khối này sau khi Kiev nộp đơn xin trở thành thành viên đầy đủ của EU.
Tuy nhiên, giới chức EU cũng tiết lộ bất chấp áp lực từ các nước Baltic và Ba Lan, việc cấp cho Ukraine bất kỳ quyền tiếp cận nhanh chóng nào với khối này là khó có thể xảy ra. Bởi điều này sẽ tạo ra các vấn đề với các nước nộp đơn khác như Gruzia hoặc Moldova...
“Lãnh đạo các nước sẽ không trao tư cách ứng viên cho Ukraine ngay, nhiều khả năng sẽ có thêm hợp tác trong thỏa thuận liên kết. Việc cung cấp nhiều hơn sẽ là điều không thể vì Ukraine là đất nước đang chìm trong chiến tranh", Reuters dẫn lời quan chức EU cho hay.
Tuy nhiên, Reuters cũng dẫn nguồn quan chức EU khác cho rằng, việc cung cấp tư cách của một quốc gia ứng cử viên EU cho Ukraine sẽ mang lại những tín hiệu tích cực cho quốc gia này trong cuộc chiến hiện nay, cũng như cho thấy những cam kết rõ ràng của EU đối với Kiev trong tương lại.
"Tôi không hiểu tại sao lại có vấn đề với việc trao tư cách ứng cử viên cho họ. Thổ Nhĩ Kỳ đã có điều đó từ năm 1999 và giờ không còn là thành viên nữa. Bạn có thể trao tư cách ứng cử viên cho Ukraine ngay bây giờ để cho thấy chúng tôi đang đồng hành cùng họ và sau đó là các cuộc đàm phán về tư cách thành viên đầy đủ", Reuters dẫn nguồn quan chức EU cho biết.
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy hôm 27/2 ký đơn chính thức đề nghị EU cho Ukraine gia nhập tư cách thành viên. Nghị viện châu Âu sau đó đã thông qua nghị quyết kêu gọi các tổ chức của EU "làm việc để hướng tới việc trao" tư cách ứng cử viên cho Ukraine.
Theo quy định của EU, sau khi nộp đơn xin gia nhập, các nước này vẫn phải trải qua quy trình xét duyệt thành viên phức tạp và sẽ mất nhiều thời gian. Các nước ứng cử cần thực thi một loạt cải cách để đáp ứng tiêu chuẩn chính trị và kinh tế của liên minh 27 nước châu Âu.
Ngoài ra, tất cả các thành viên hiện tại của EU đều có quyền phủ quyết đối với những quốc gia ứng cử thành viên mới.